Ngành giáo dục: Đứng dậy sau mưa lũ

Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây hậu quả nặng nề đối với ngành giáo dục Lào Cai. Những ngày này, toàn ngành đang chung tay, góp sức, đồng lòng khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định hoạt động dạy - học, thực hiện nhiệm vụ năm học.

Thiệt hại nặng nề

Hoàn lưu bão số 3 khiến ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai thiệt hại gần 502 tỉ đồng (chiếm hơn 1/3 tổng thiệt hại của 18 tỉnh khu vực phía Bắc), trong đó thiệt hại về trang - thiết bị dạy học hơn 315 tỉ đồng.

Toàn tỉnh có hơn 140 trường, điểm trường bị sạt lở, ngập úng và ảnh hưởng; khoảng 20 trường, cụm trường, điểm trường học nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, cần di dời khẩn cấp và xây dựng ở vị trí mới, trong đó huyện Bắc Hà có nhiều trường bị ảnh hưởng nhất (tính đến 16 giờ ngày 20/9, huyện có 12 trường và điểm trường cần di dời).

Khối THPT của tỉnh có 12/39 trường bị ảnh hưởng, trong đó bị ảnh hưởng nặng là Trường THCS & THPT Bát Xát, sạt lở 80 m taluy làm sập 16 phòng ở học sinh bán trú, bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh và đe dọa tiếp tục sạt lở vào khu nhà ký túc 4 tầng, nhà đa năng, nhà lớp học.

Hơn 600 gia đình giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Lào Cai bị ảnh hưởng, cần hỗ trợ, riêng huyện Bảo Yên có 410 gia đình. Đặc biệt, toàn tỉnh có 35 học sinh chết và mất tích, 15 em bị thương do mưa lũ; 3 giáo viên thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa bị thương phải nhập viện...

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra tình hình thiệt hại, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ khắc phục hậu quả, đồng thời chú trọng vệ sinh, khử khuẩn.

Sớm ổn định học tập

Với phương châm nối lại hoạt động dạy và học nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, nhiều giải pháp linh hoạt đang được ngành giáo dục triển khai, như mượn tạm nhà văn hóa, trường học cũ hoặc nhà dân; bố trí học theo ca 2 buổi/ngày.

Tranh thủ ngày cuối tuần, giáo viên Trường Tiểu học Phố Ràng 1 (huyện Bảo Yên) cùng với người dân di chuyển bàn ghế, đồ dùng dạy học sang Trường Mầm non Hoa Hồng cũ. Cô giáo Ma Thị Xuân, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, đồi phía sau trường xuất hiện nhiều vết nứt sụt lún, có nguy cơ sạt lở rất cao. Do vậy, nhà trường đã khẩn trương di chuyển cơ sở vật chất sang vị trí an toàn hơn. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất tại khu mới chỉ đáp ứng cho 10 lớp nên nhà trường phải dạy học 10 lớp mỗi buổi, học sinh phải học dồn 5 tiết/buổi và học cả thứ 7. Ngoài ra, không có phòng học chức năng nên các môn Tiếng anh, Tin học, Hoạt động trải nghiệm, thư viện phải thực hiện trong lớp học.

“Thầy và trò nhà trường sẽ nỗ lực vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, linh hoạt xây dựng chương trình giảng dạy, đảm bảo cho các em theo kịp chương trình học” - cô Xuân nói.

Tại huyện Bát Xát, ngoài phương án “học nhờ”, địa phương chủ động đưa học sinh lớp 1, lớp 2 ở điểm lẻ về trường chính và sắp xếp, dồn lớp mầm non ở những điểm lân cận để giải quyết việc thiếu chỗ học do lớp học, điểm trường bị sạt, nứt. Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Chạc có khoảng 600 học sinh, trong đó có 400 em ở bán trú. Do khu nhà bán trú có nguy cơ bị sạt lở nên nhà trường phải sử dụng nhà đa năng làm chỗ ngủ cho học sinh. Hoặc Trường phổ thông bán trú THCS Phìn Ngan phải đưa học sinh lớp 9 về Trung tâm Giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp huyện học nhờ.

Tại huyện Si Ma Cai, mưa lũ khiến 20 trường, điểm trường bị sạt lở, ngập lụt và thiệt hại. Hiện các trường, điểm trường trên địa bàn đã nối lại hoạt động dạy và học. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai thông tin: Đối với những trường sắp xếp được học tại chỗ, sẽ tổ chức dạy học ở các dãy phòng học an toàn; các trường, điểm trường không đảm bảo an toàn thì tổ chức học nhờ; các điểm trường xa nhau, chúng tôi chỉ đạo các nhà trường mượn nhà dân để tổ chức học tập...

Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nganh-giao-duc-dung-day-sau-mua-lu-post391112.html
Zalo