Ngành giáo dục chủ động nhân sự sẽ không còn thừa thiếu giáo viên cục bộ

Ngày 13/5, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Luật Nhà giáo. Thời gian này, các trường học trong cả nước đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của giáo viên.

Ngành giáo dục được tuyển dụng giáo viên

Dự thảo Luật Nhà giáo có 5 chính sách và 6 điểm mới. Trong đó, có điểm mới đáng chú ý là “Ngành giáo dục được tuyển dụng giáo viên và quản lý nhân lực”.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cụ thể: Tại Khoản 2, 3 Điều 21 dự thảo quy định:

- Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác: do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo.

- Tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo.

Quy định này đã trao quyền chủ động về nhân sự ngành giáo dục cho các cơ quan quản lí giáo dục, cụ thể Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo được quyền tuyển dụng và điều động nhân sự của ngành.

Nhiều năm trở lại đây, việc tuyển dụng giáo viên ở các địa phương phụ thuộc vào Phòng/Sở Nội vụ địa phương. Sở, Phòng Giáo dục các địa phương chỉ quản lý về mặt chuyên môn.

Phòng Nội vụ ở nhiều địa phương trực tiếp quản lý nhân sự cả huyện, thị (phạm vi khá rộng). Vì thế, không tránh khỏi sự chậm trễ trong việc xử lý tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở nhiều trường học hiện nay.

Điều này tạo ra khá nhiều bất cập trong việc tuyển dụng nhân sự của ngành cũng như việc điều tiết giáo viên giữa các trường trong địa bàn với nhau. Vì thế, dẫn đến thừa, thiếu cục bộ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy và giáo dục học sinh.

Những bất cập khi ngành giáo dục không được quản lý nhân sự

Giáo dục là một ngành nghề đặc thù, không phải thiếu nhân sự là bổ sung đủ số lượng theo trình độ đào tạo là xong, mà phải đáp ứng theo môn học và định mức giáo viên/lớp.

Tại trường học tôi đang giảng dạy, định mức giáo viên/lớp là 1,5 giáo viên/lớp.

Nếu xét theo quy định trong Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập thì trường tôi đã đủ giáo viên giảng dạy.

Tuy thế, trường tôi lại không có giáo viên dạy Tin học. Đã không ít lần, nhà trường làm tờ trình gửi về phòng Nội vụ để xin được điều chuyển giáo viên dạy Tin học về nhưng đều bị từ chối với lý do, tỉ lệ giáo viên/lớp theo quy định đã đủ. Không thể bố trí giáo viên dạy trái chuyên môn nên trường tôi buộc phải hợp đồng một giáo viên có chuyên môn về tin học về giảng dạy.

Không được quyền tuyển dụng giáo viên, cũng không được quyền điều động nhà giáo từ trường học này về giảng dạy tại trường học khác, dẫn đến tình trạng trường thừa giáo viên, trường lại quá thiếu.

Ngay tại trường tôi, hiện có 20 lớp học đã phân đủ 20 giáo viên chủ nhiệm nhưng vẫn còn dư tới 3 giáo viên không chủ nhiệm (thường gọi là giáo viên dự khuyết) vào các lớp giảng dạy một số môn.

Thế nhưng lại có những trường trong ngay trong khu vực rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng (tỉ lệ giáo viên/lớp chỉ ở mức 1.1 đến 1.2).

Trường có 15 lớp nhưng chỉ có 13 giáo viên chủ nhiệm. 2 lớp không có giáo viên chủ nhiệm thì phó hiệu trưởng phải đảm nhận một lớp, hiệu trưởng không chỉ dạy 2 tiết/tuần theo quy định mà phải dạy hơn 10 tiết/tuần. Ngoài ra, nhà trường vẫn phải hợp đồng một nhà giáo về hưu làm công tác chủ nhiệm.

Hiện nay thực tế có tình trạng điều chuyển giáo viên, ban giám hiệu giữa các trường lúc nào cũng được (có khi vào học vài tuần mới thực hiện việc luân chuyển). Có trường hợp luân chuyển vào tháng 11, tháng 12 ngay thời gian học sinh chuẩn bị kiểm tra cuối kỳ. Việc này gây khó khăn không nhỏ cho những người đi nhận nhiệm sở mới và ảnh hưởng đến việc học của không ít học sinh.

Bởi vì, giáo viên đang vừa dạy vừa tổ chức ôn tập lại bị điều đi. Giáo viên khác về phải mất vài tuần làm quen lớp, nắm lực học từng em, lực học của cả lớp mới tiếp tục giảng dạy và ôn tập đạt hiệu quả.

Có hiệu phó bị điều chuyển trong thời gian đang thẩm định và ra đề kiểm tra cuối kỳ. Người mới về tiếp nhận cũng khó có thể bắt nhịp ngay vào việc ra đề, thẩm định đề của trường mới.

Sở/Phòng Nội vụ quản lý con người cả một huyện, thị hoặc một tỉnh nên việc quá nhiều dẫn đến không thể sâu sát mọi chuyện.

Ở địa phương tôi công tác, có hiệu trưởng ở một trường hơn 10 năm, thậm chí hơn 20 năm. Lại có những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mới công tác được vài năm và liên tục bị điều chuyển hết trường này đến trường khác.

Tuyển dụng giáo viên sẽ đi vào thực chất hơn

Hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên vẫn theo hình thức thi tuyển viên chức như nhiều ngành nghề khác. Giáo viên viên tham gia ứng tuyển phải làm bài thi về kiến thức chung mà chưa chú trọng đến hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

Dự thảo Luật nhà giáo lần này có nội dung “Tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo”.

Nghĩa là, những ứng viên tham gia tuyển dụng nhà giáo sẽ có kỳ thi riêng với 2 nội dung là xét hồ sơ và thực hành sư phạm.

Xét hồ sơ sẽ biết được năng lực học tập của ứng viên qua từng thời kỳ. Nhà tuyển dụng sẽ có cơ hội chọn được ứng viên có lực học tốt. Thực hành sư phạm thường có các nội dung như soạn một thiết kế bài dạy để lên lớp và thực hành một tiết dạy trực tiếp tại lớp.

Kiến thức bài dạy, khả năng đứng lớp, việc xử lý tình huống sư phạm sẽ được bộc lộ rõ nhất thông qua tiết dạy cụ thể. Từ đó, nhà tuyển dụng sẽ tìm ra được những giáo viên có năng lực thật sự về chuyên môn.

Dự thảo Luật Nhà giáo có rất nhiều ưu điểm nổi trội sẽ có tác dụng rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, chất lượng giáo dục và đào tạo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-giao-duc-chu-dong-nhan-su-se-khong-con-thua-thieu-giao-vien-cuc-bo-post244053.gd
Zalo