Ngành giải trí: 'Quyền lực mềm' cả tỷ USD
Ngành giải trí ngày nay đã trở thành cỗ máy kinh tế khổng lồ. Thị trường giải trí toàn cầu đang phát triển với tốc độ chóng mặt và ngày càng đa dạng từ các môn nghệ thuật truyền thống đến trò chơi điện tử và nay là mạng xã hội với các nội dung sáng tạo...

Concert của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai.
Hàn Quốc là đất nước đã viết nên câu chuyện vô cùng ấn tượng, tạo nên “làn sóng văn hóa giải trí Hàn Quốc” (Hallyu) trở thành hiện tượng toàn cầu với các siêu phẩm âm nhạc, phim ảnh đình đám. Đây là thứ “quyền lực mềm” với sức mạnh ghê gớm, không chỉ quảng bá hình ảnh tích cực về đất nước, con người Hàn Quốc mà còn thúc đẩy thương mại và du lịch.
Trong vòng 5 năm kể từ năm 2017, ngành công nghiệp giải trí mang lại cho Hàn Quốc 28,4 tỷ USD, lĩnh vực xuất khẩu liên quan đến ảnh hưởng từ làn sóng Hallyu năm 2023 lên tới 14,16 tỷ USD. Theo Viện nghiên cứu Hyundai (HRI), riêng nhóm nhạc BTS đã đóng góp hơn 3,6 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm, số tiền tương đương 26 công ty tầm trung gộp lại.
Đối với Việt Nam, ngành giải trí cũng trên đà phát triển mạnh mẽ. Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của các buổi hòa nhạc, show diễn quy mô lớn, điển hình như chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi”. “Anh trai vượt ngàn chông gai” tổ chức 2 concert đều cháy vé sau 1 giờ đồng hồ, và dự kiến tổ chức concert thứ 3 vào tháng 3/2025. “Anh trai say hi” đã tổ chức đến 4 concert với quy mô mỗi concert trung bình trên 30.000 khán giả.
NGUỒN THU VÔ TẬN TỪ CÔNG NGHIỆP GIẢI TRÍ
Sức nóng từ hai chương trình ca nhạc thực tế đã thu hút sự quan tâm lớn của đông đảo người hâm mộ, tạo ra thêm một loại các fan hâm mộ lớn mạnh và sẵn sàng chịu chi cho thần tượng của mình. Điều này cho thấy nhu cầu giải trí ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh và đầy tiềm năng trở thành thị trường giải trí tỷ USD. Vậy Việt Nam có thể học hỏi gì từ sự thành công của Hàn Quốc để ngành giải trí của nước ta không chỉ thu hút người dân trong nước mà còn vươn ra thế giới, trở thành một yếu tố cạnh tranh tầm quốc tế?

Concert của chương trình Anh trai say hi.
Thị trường giải trí Hàn Quốc, đặc biệt là ngành âm nhạc Kpop, là một “cỗ máy in tiền” đích thực. Trong đó, doanh thu từ phát hành album là một trong những nguồn thu chính của các công ty giải trí Hàn Quốc. Mỗi lần một ca sĩ hay nhóm nhạc mới ra mắt hoặc phát hành album, hàng triệu bản được bán ra không chỉ ở thị trường nội địa mà còn trên toàn thế giới. Ví dụ, album “Map of the Soul: 7” của BTS đã bán được hơn 4 triệu bản chỉ trong tuần đầu ra mắt. Tổng số đĩa tiêu thụ của BTS là hơn 100 triệu tính đến hết năm 2021.
Ngày nay doanh số từ sản phẩm âm nhạc ngoài bán đĩa vật lý còn đến từ các nền tảng nghe nhạc trả phí. Liên đoàn Công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI) công bố báo cáo âm nhạc toàn cầu hàng năm cho thấy doanh thu từ âm nhạc trên toàn cầu tăng liên tục từ 26,2 tỷ USD năm 2022 đến 28,6 tỷ USD năm 2023, mức tăng hơn 10%.
Nguồn doanh thu thứ 2 đã và đang nở rộ đó chính là các buổi hòa nhạc (concert). Chẳng hạn, tour diễn “Love Yourself: Speak Yourself” của BTS đã thu hút hơn 2 triệu khán giả trên toàn cầu và mang về doanh thu ước tính hàng trăm triệu USD. Hoặc Blackpink, nhóm nhạc đã từng tổ chức đêm diễn tại Việt Nam, cũng có chuyến lưu diễn toàn cầu với doanh thu ước tính hơn 260 triệu USD.
Để tổ chức concert bán vé tốt, nghệ sĩ cần có độ nhận diện và mức độ nổi tiếng. Việc đầu tư cho concert tốn kém nhiều nguồn lực, thời gian và không phải concert nào cũng có lãi. Tuy nhiên, việc đầu tư một concert chất lượng không chỉ thỏa mãn người hâm mộ mà còn để nâng cao năng lực đội ngũ tổ chức và bộ phận sản xuất, âm thanh, ánh sáng và hậu cần.
Đáng lưu ý là doanh thu từ các vật phẩm liên quan. Theo ước tính của Thời báo Chosun Hàn Quốc, doanh thu từ các vật phẩm liên quan đến album hoặc nghệ sĩ Kpop như áo thun, mũ, poster, đèn led… tạo ra doanh thu lên đến 280 triệu USD trong năm 2023. Trong khi đó, tại Việt Nam, các vật phẩm liên quan đến nghệ sỹ hiện chủ yếu do người hâm mộ tự làm, tự bán trong cộng đồng. Các vật phẩm nghệ sĩ bán cho người hâm mộ vẫn còn hạn chế, chưa được quản lý. Việt Nam cũng chưa có các công ty giải trí làm chuyên nghiệp về mảng này.
Như là một phần của chiến lược ngoại giao mềm, Việt Nam có thể học hỏi từ Hàn Quốc bằng cách xây dựng chiến lược phát triển ngành giải trí dài hạn, phát triển hệ sinh thái giải trí toàn diện. Đồng thời, có chính sách thúc đẩy không chỉ tạo ra những sản phẩm giải trí hấp dẫn mà còn xây dựng môi trường sáng tạo, nuôi dưỡng tài năng và xây dựng thương hiệu quốc gia...
* TS. Phạm Mạnh Hùng - Trần Thị Nhung, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 8-2025 phát hành ngày 24/2/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1272
