Ngành F&B Việt Nam đối mặt 'Cuộc đại thanh lọc': 30.000 cửa hàng đóng cửa, doanh thu tiếp tục trượt dốc

Ngành F&B Việt Nam đang trải qua một giai đoạn thanh lọc khắc nghiệt khi chi tiêu của thực khách không thể bắt kịp tốc độ tăng trưởng nóng của các cửa hàng. Ngay cả những thương hiệu bền vững với lượng khách hàng trung thành và thu nhập ổn định cũng không thoát khỏi tác động của nền kinh tế.

Theo Báo cáo Thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 do iPOS.vn công bố vào sáng 21/8, ngành F&B đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Tính đến tháng 7, cả nước có khoảng 304.700 cửa hàng F&B, giảm 3,9% so với số liệu từ năm 2023. Ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, trong khi số lượng mở mới có phần hạn chế. Đáng chú ý, số lượng cửa hàng tuổi thọ ngắn (dưới 3 tháng hoạt động) đang tăng tại các thành phố lớn.

TP HCM là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm 5,97% số lượng cửa hàng. Ngược lại, Hà Nội lại ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ 0,1% về số lượng cửa hàng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tổng giá trị doanh thu ngành F&B gây bất ngờ với mốc 403,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 68,46% doanh thu cả năm 2023. Nguyên nhân được nhận định một phần do lạm phát. Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mãi được các cửa hàng tích cực đưa ra trong thời gian qua đã khiến khách hàng ra quyết định "xuống tiền" nhiều hơn.

Tổng giá trị doanh thu ngành F&B 6 tháng đầu năm 2024 gần đạt 70% doanh thu của cả năm 2024. Nguồn: iPOS.vn.

Các chuyên gia của iPOS.vn đánh giá người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng tiêu dùng thông minh hơn. Thực khách chi trả cao hơn cho mỗi lần dùng bữa bên ngoài nhưng với kế hoạch rõ ràng hơn so với việc dùng bữa một cách “ngẫu hứng". Yếu tố tiêu dùng như thế này được nhận định có thể là một điểm nhấn tích cực trong thời điểm đại thanh lọc của toàn bộ thị trường F&B tại Việt Nam.

“Hơn 30.000 cửa hàng F&B đóng cửa trong thời gian vừa qua chứng minh mức độ cạnh tranh khốc liệt của thị trường này. Sự tăng trưởng chi tiêu của thực khách không đuổi kịp được sự tăng trưởng nóng cửa hàng F&B từ sau đại dịch Covid-19. Các thương hiệu có tính bền vững cũng không thoát khỏi sự tác động sâu của kinh tế dù có lượng khách hàng trung thành lớn và có thu nhập ổn định. Ngành F&B trải qua 6 tháng đầu khó khăn. Thời điểm này được coi là cuộc đại thanh lọc", báo cáo chỉ ra.

Về tình hình phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp F&B, theo kết quả khảo sát, doanh thu đã chứng kiến sự biến động mạnh. Mặc dù khởi đầu năm có những tín hiệu tích cực, nhưng đến giữa năm xu hướng giảm đã trở nên rõ rệt.

Tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm trong tháng 2 tới hơn 43,4%. Tháng 3 có tăng trưởng nhẹ và sau đó giảm đều tới giữa năm. Tính tới tháng 6, đã có tới hơn 44,1% đơn vị thừa nhận mức doanh thu giảm. Nhiều đơn vị chia sẻ không đạt được mức thu nhập kỳ vọng trong nửa năm vừa qua và vẫn chìm trong xu hướng giảm doanh thu trong các tháng kế tiếp.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường đồ ăn, các doanh nghiệp đang tìm kiếm mọi cách để thu hút và giữ chân khách hàng. 25% cửa hàng cho rằng chương trình khuyến mãi là một công cụ hiệu quả để tăng lượng khách hàng đến quán. Các chính sách như giảm 10% cho đặt bàn trước (mô hình nhà hàng dịch vụ đầy đủ), đi 4 thanh toán 3 (mô hình nhà hàng buffet),... đang rất phổ biến, giúp tăng lượng khách hàng tới trải nghiệm.

“Nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến sự biến động mạnh mẽ, đặt ra không ít thách thức cho toàn bộ ngành dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực F&B. Tuy nhiên, các doanh nghiệp F&B Việt Nam đã cho thấy sự linh hoạt đáng kinh ngạc khi nhanh chóng điều chỉnh hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết và tối ưu hóa dòng tiền. Đồng thời, sự sáng tạo không ngừng trong việc phát triển sản phẩm đã mang đến những trải nghiệm ẩm thực mới lạ, thu hút đông đảo thực khách”, ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc CTCP iPOS.vn nhận định.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/nganh-f-b-viet-nam-doi-mat-cuoc-dai-thanh-loc-30-000-cua-hang-dong-cua-doanh-thu-tiep-tuc-truot-doc-1101843.html
Zalo