Ngành đường Việt Nam ghi nhận sự hồi sinh, tăng trưởng đáng kể
Chiều 13/9, tại TX An Khê (tỉnh Gia Lai), Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2023-2024. Ông Phạm Văn Duy, Cục phó Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT); Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành Mía đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2023-2024 trong tháng 6/2024 với sản lượng mía ép được trên 11,2 triệu tấn mía, sản xuất trên 1,1 triệu tấn đường. So với vụ ép 2022-2023, sản lượng mía ép trong vụ này tăng 117,9%, sản lượng đường đạt 118,4%; so với vụ ép 2020-2021, sản lượng mía ép đạt mức tăng 166%, sản lượng đường đạt mức tăng 161%. Điều này cho thấy, kể từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (từ năm 2021), ngành Mía đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh, tăng trưởng đáng kể, với giá mua mía của nông dân liên tục được nâng lên và đạt mức 1,2-1,3 triệu đồng/tấn mía, năng suất đường cũng đạt mức tăng trưởng cao với mốc 6,79 tấn đường/ha, đưa ngành Mía đường Việt Nam vào vị trí số 1 về năng suất đường trong khu vực Đông Nam Á.
Niên vụ 2024-2025 dự báo sẽ là một năm có nhiều thách thức đối với ngành đường Việt Nam khi phải đối phó với hiện tượng La Nina dự kiến sẽ có tác động trong niên vụ, giá vật tư nông nghiệp tăng, tình hình đường nhập lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu, tình hình lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và thị trường đường bị thu hẹp do sự gia tăng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS. Niên vụ 2024-2025, dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2023-2024, với tổng công suất thiết kế 124.000 tấn mía/ngày.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhấn mạnh, ngành mía đường là ngành hàng quan trọng, tác động rất lớn đến phát triển KT-XH của đất nước. Tuy nhiên, thời gian tới, thị trường đường còn nhiều rủi ro, bất ổn, xu hướng tiêu dùng của người dân cũng thay đổi, tình trạng đường nhập lậu vẫn xảy ra…, ngành Mía đường Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, hợp lý và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật cũng như định hướng phát triển của Nhà nước. Hiệp hội cũng đề xuất, kiến nghị các đơn vị tiếp tục củng cố chuỗi liên kết sản xuất mía đường, xây dựng thị trường lành mạnh, phòng chống hành vi gian lận thương mại đường, siết chặt quản lý truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường và có giải pháp ổn định vùng nguyên liệu mía.
* Trước đó vào sáng cùng ngày, các đơn vị tổ chức Hội thảo chiến lược thích ứng khí hậu và nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam.
Hội thảo ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự về định hướng phát triển ngành mía đường trong niên vụ 2024-2025; giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất mía, đường; chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, chương trình tuyển chọn ứng dụng giống mía thích ứng với biến đổi khí hậu theo từng vùng nguyên liệu để cải thiện năng suất mía ở các nước; sáng kiến sử dụng máy bốc mía sử dụng dây đai; triển khai giống mía và tiến bộ kỹ thuật giai đoạn 2022-2024; giải pháp dinh dưỡng cho cây mía…
Nhân dịp này, Ban Chấp hành Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đã biểu dương, khen thưởng, tặng giấy khen cho 41 nông dân có thành tích xuất sắc trong sản xuất mía niên vụ 2023-2024.