Ngành đường sắt và sứ mệnh lịch sử

Đợt thiên tai, mưa lũ vừa qua, hạ tầng giao thông đường bộ bị hư hại nghiêm trọng. Mặc dù đã thông tuyến tạm thời nhưng các tuyến giao thông đối nội, đối ngoại vẫn chưa thể trở lại hoạt động bình thường, giảm năng lực vận tải hàng hóa đi, đến Lào Cai. Trước tình thế đó, đường sắt trở thành phương tiện thay thế quan trọng giúp giảm tắc nghẽn và áp lực cho đường bộ.

Chuyến tàu đi qua bão táp

Chưa bao giờ những chuyến tàu đến ga Lào Cai lại được chờ đợi và chào đón như thế. Ông Ngô Vũ Quang, Trưởng ga Lào Cai cho biết: Sau nhiều ngày gián đoạn, khi có lệnh của Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội về việc chuẩn bị thông tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, cán bộ, nhân viên nhà ga đều hồi hộp, lo lắng. Tại phòng trực chỉ huy tàu, bóng đèn đỏ liên tục nhấp nháy báo vị trí tàu đang di chuyển, điện đàm ngắt quãng, mọi người dõi theo hành trình chầm chậm qua từng nhà ga, rồi nín thở khi tàu qua những cung đường mưa lũ. Chuyến tàu khởi hành từ chiều đến ga Lào Cai chậm hơn so với ngày thường gần 6 tiếng khiến ca kíp trực phải kéo dài thời gian chờ đợi nhưng chẳng ai than phiền.

Chuyến tàu đầu tiên sau lũ kéo theo những toa xe là lô hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã lỡ hẹn với đối tác nhiều ngày qua cùng hàng hóa cứu trợ từ các tỉnh, thành gửi đến vùng lũ Lào Cai. Vẫn cung đường quen thuộc nhưng hôm nay, anh Nguyễn Sinh Trường và anh Đỗ Quốc Việt - 2 lái tàu trẻ - đã phải trải qua một hành trình dài và đầy thử thách. Anh Trường cho biết, mặc dù có hơn chục năm trong nghề nhưng đây là lần đầu anh và đồng nghiệp lái tàu trong điều kiện khó khăn, phức tạp đến vậy. Ngồi trên khoang lái, hình ảnh những mảnh đất trù phú ven sông Hồng nay không còn, thay vào đó là bùn đất bao phủ khắp nơi, cỏ cây héo úa sau khi nước rút, là những rãnh nước sâu hoắm sau trận lở núi khiến anh cảm nhận rõ hơn sức tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên.

Sau nỗ lực khắc phục 20 điểm ngập và 45 điểm sạt lở nền đường do mưa lũ gây ra, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã được khai thông, hàng trăm tấn hàng cứu trợ đã được chở đến vùng lũ.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào

Cầm trên tay nhật ký chuyến tàu cùng những chỉ dẫn đi qua 20 điểm sạt lở phải giảm tốc độ, đợi hiệu lệnh người dẫn đường, anh Trường tâm sự: Đòi hỏi về đảm bảo an toàn chạy tàu trong những ngày này được đặt lên mức cao nhất. Mọi thao tác, mệnh lệnh phải được thực hiện chính xác và tuân thủ nghiêm ngặt.

Tại bãi hàng hóa ga Lào Cai, chiếc xe nâng cỡ lớn đang được làm công việc quen thuộc của mình là bốc dỡ container hàng hóa từ các chuyến tàu. Điều đó không chỉ gửi đi thông điệp rằng những chuyến tàu đã được khôi phục mà còn cho thấy sự lưu thông hàng hóa đã trở lại, nhịp sản xuất đã dần phục hồi.

Lướt nhanh qua khu vực đang tháo dỡ container là những chuyến xe tải đến nhận hàng cứu trợ từ các toa tàu. Được biết, bên cạnh việc khắc phục hậu quả mưa lũ, những ngày qua, ngành đường sắt đã vận chuyển miễn phí hàng trăm tấn hàng hóa của Nhân dân cả nước đến cứu trợ đồng bào miền Bắc, trong đó có Lào Cai. Chuyến hàng đong đầy nghĩa tình càng khẳng định sứ mệnh của ngành đường sắt trong tháng ngày lịch sử này.

Nỗ lực đưa tàu khách hoạt động trở lại

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO), từ ngày 7 đến 22/9, có 32 chuyến tàu khách phải ngừng chạy, tổng thiệt hại hơn 200 tỷ đồng.

Trước đó, đợt mưa lũ do bão số 3 gây ra đã khiến tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai xuất hiện các điểm sạt lở, ngập sâu. Để đảm bảo an toàn, ngày 7/9, ngành đường sắt đã dừng chạy tàu khách tuyến Hà Nội - Lào Cai. Từ ngày 9/9, mưa lũ tiếp tục gây sạt lở, ngập sâu nhiều đoạn đường sắt đoạn từ Lào Cai đến Phú Thọ, đe dọa an toàn chạy tàu, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải quyết định dừng chạy cả tàu hàng.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chủ yếu sụt taluy âm và taluy dương, sạt taluy dương nặng nhất là ga Lâm Giang (Yên Bái). Tại địa bàn Lào Cai, khu vực Làng Giàng có 3 điểm sạt với khối lượng rất lớn. Ngoài ra là các điểm sạt khu vực Thái Văn, Cầu Nhò. Khắc phục giai đoạn 1, Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào đã huy động cán bộ, công nhân viên và hàng chục máy xúc triển khai thi công 3 ca dọn bùn đất, khơi thông đường ray để đảm bảo chạy tàu 5 km/h.

Tuy nhiên vẫn còn các điểm sạt taluy âm rất nguy hiểm, công ty đang tính toán phương án gia cố lại đường. Sau nỗ lực khắc phục 20 điểm ngập và 45 điểm sạt lở nền đường do mưa lũ gây ra, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã được khai thông, hàng trăm tấn hàng cứu trợ đã được chở đến vùng lũ.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào thông tin: Mặc dù tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã thông tuyến từ ngày 15/9 nhưng còn nhiều điểm sạt lở vừa khắc phục xong, nền đường chưa ổn định nên tàu phải di chuyển với tốc độ chậm, hành trình của hành khách kéo dài thêm 4 - 5 giờ đồng hồ. Hiện công ty bước vào khắc phục giai đoạn 2 là khắc phục dứt điểm từng đoạn, đảm bảo cho tốc độ tàu trở lại bình thường.

Ông Ngô Vũ Quang, Trưởng ga Lào Cai cho biết: Kể từ khi phải tạm dừng tàu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nay, ngành đường sắt mới phải tạm dừng chạy tàu dài ngày như thế. Tuy nhiên, trải qua biến cố, chúng tôi càng tin tưởng ngành đường sắt luôn đủ sức vượt qua mọi khó khăn, khẳng định vai trò của mình.

Không chỉ vận chuyển được khối lượng hàng hóa lớn hơn đường bộ, đường sắt như là một sự lựa chọn tối ưu trong điều kiện mưa lũ hiện nay bởi hệ thống đường sắt thường được thiết kế chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn nên có thể hoạt động ổn định, an toàn. So với các phương tiện khác, đường sắt thường có chi phí vận chuyển thấp hơn, đặc biệt khi giá nhiên liệu tăng do khan hiếm trong mùa mưa lũ.

Khẩn trương khôi phục hoạt động sau mưa lũ, ngành đường sắt đang đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử của mình khi góp phần duy trì mạch vận tải hàng hóa, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm đến các khu vực bị ảnh hưởng.

Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nganh-duong-sat-va-su-menh-lich-su-post390972.html
Zalo