Ngành đường sắt chuyển mình với nhiều dự án trọng điểm
Năm 2024, ngành đường sắt Việt Nam có nhiều đóng góp lớn cho ngành giao thông vận tải, đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng về số lượng hành khách so với năm trước...
Chiều 26/12, Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của Cục Đường sắt Việt Nam được tổ chức. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cùng lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam và đại diện các cơ quan trong ngành.
TĂNG TRƯỞNG HÀNH KHÁCH TĂNG 16%
Đánh giá kết quả công tác năm 2024, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh cho biết với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", Cục Đường sắt Việt Nam đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai toàn diện các nhiệm vụ, kế hoạch của Cục.
Theo đó, Cục Đường sắt Việt Nam đã tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đường sắt. Kết quả đã xây dựng và trình Bộ Giao thông vận tải 5 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Đặc biệt, Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được Cục tập trung tối đa nguồn lực nghiên cứu, hoàn thiện trình Bộ theo đúng kế hoạch.
Song song đó, trong công tác lập và triển khai quy hoạch, xây dựng đề án, Cục đã tổ chức Lập điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trình Bộ Giao thông vận tải và lập 4 quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành được giao.
Đặc biệt, Cục đã phối hợp với các cơ quan trọng việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Trong tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý do Cục Đường sắt phối hợp với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thực hiện.
Trong năm 2024 vừa qua, hoạt động vận tải đường sắt tiếp tục có sự tăng trưởng với số lượng hành khách tăng 16%, luân chuyển hành khách-km tăng 20,9% so với năm 2023.
Về công tác trật tự, an toàn giao thông đường sắt được triển khai nhiều giải pháp với 18 tỉnh/thành phố, đã xóa bỏ 284 ví trí lối đi tự mở nguy hiểm. Từ đó tai nạn giao thông đường sắt giảm trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể, cả nước trong năm 2024 có 184 vụ, giảm 9%; làm chết 74 người, giảm 13% và làm bị thương 103 người, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, Cục Đường sắt cũng đã tham gia đàm phán, ký kết theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về giao thông vận tải đường sắt. Trong đó đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan triển khai thực hiện 5 hiệp định đa phương của Tổ chức Hợp tác đường sắt.
Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam đã triển khai thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế nước CHND Trung Hoa về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc về tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc; tổ chức thành công Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44 tại Hà Nội…
Mặc dù vậy, theo ông Trần Thiện Cảnh, công tác quản lý hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia vẫn còn những khoảng trống pháp lý khi tài sản kết cấu hạ tầng chưa được giao cho chủ thể quản lý.
Ngoài ra, một số sự cố đường sắt vẫn xảy ra do lỗi chủ quan. Tuy không có thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại về tài sản doanh nghiệp, ách tắc chính tuyến nhiều giờ, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dịch vụ.
Đáng lưu ý nhất là tình hình vi phạm đất dành cho đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết nguyên nhân xuất phát từ nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm công tác quản lý đất dành cho đường sắt, chưa ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện xây dựng hàng rào, đường gom xóa bỏ lối đi tự mở.
CHÚ TRỌNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cục Đường sắt Việt Nam thời gian qua, đóng góp tích cực vào kết quả nổi bật của toàn ngành.
Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của ngành đường sắt luôn gắn liền với quá trình phát triển, những chiến công, thành tích và truyền thống "Đi trước mở đường" của ngành Giao thông vận tải.
“Ở bất kỳ thời điểm nào của lịch sử dân tộc, đường sắt Việt Nam đều có những đóng góp to lớn, giữ một vị trí xứng đáng trong đời sống kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.”
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu tại Hội nghị.
Người đứng đầu ngành Giao thông vận tải biểu dương tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Cục Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ, đạt các kết quả nổi bật. Công tác chỉ đạo, điều hành của Cục tiếp tục được đổi mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, quy hoạch được thực hiện hiệu quả…
Đồng thời, đánh giá cao những đóng góp của Cục Đường sắt trong việc xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý Cục Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan chú trọng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao và đầu tư phát triển công nghệ, mục tiêu khi tuyến đi vào vận hành, khai thác đảm bảo an toàn chạy tàu.
Theo Bộ trưởng giá trị của đường sắt trong phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ an ninh quốc phòng là rất lớn, do đó sự chuẩn bị này không chỉ phục vụ đường sắt tốc độ cao mà còn đường sắt đô thị, đường sắt kết nối, các tuyến đường sắt quốc gia… Cùng đó, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá định mức, làm cơ sở pháp lý để triển khai các dự án.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu Cục xây dựng Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) trình Chính phủ và Quốc hội đúng tiến độ; chuẩn bị xây dựng đầy đủ các văn bản quy phạm hướng dẫn thi hành để khi Luật được phê duyệt có hiệu lực thi hành có thể ban hành, triển khai thực hiện được ngay.
Cùng đó, tiếp tục nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng và triển khai các quy hoạch, đề án; nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động vận tải, đảm bảo an toàn giao thông… Đặc biệt chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.