Ngành đóng tàu Trung Quốc khẳng định vị thế dẫn đầu
Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về thị phần đóng tàu, dự kiến sẽ tiếp nhận một lượng lớn đơn đặt hàng mới trong bối cảnh ngành công nghiệp đóng tàu toàn cầu đang bước vào giai đoạn phục hồi.
Theo các nhà kinh tế Min Joo Kang và Rico Luman từ công ty tài chính ING, nhu cầu mua tàu mới dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Nguyên nhân chính đến từ nhu cầu thay thế các tàu cũ và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường mới. Điều này mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc, quốc gia có khả năng sản xuất vượt trội và thị phần đáng kể trong ngành công nghiệp này.
Báo cáo nghiên cứu từ ING chỉ ra Trung Quốc đã chứng kiến sự hồi sinh của các xưởng đóng tàu khi nhiều xưởng trước đó đã từng đóng cửa nay mở cửa trở lại và bắt đầu nhận đơn đặt hàng. Phần lớn các tàu cần thay thế là tàu chở hàng rời, một phân khúc là thế mạnh của quốc gia tỷ dân.
Một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhu cầu tàu mới là các quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã áp dụng Chỉ số hiệu quả năng lượng (EEXI) và Chỉ số cường độ carbon (CII) từ tháng 1/2023, yêu cầu tất cả các tàu phải tính toán và xếp hạng hiệu quả năng lượng cũng như mức độ phát thải carbon. Điều này tạo áp lực lớn đối với các công ty vận chuyển, buộc họ phải nhanh chóng thay thế các tàu không đáp ứng được tiêu chuẩn mới.
Sự trỗi dậy của ngành đóng tàu Trung Quốc
Ngành công nghiệp đóng tàu toàn cầu từng bùng nổ trong giai đoạn 2002–2008, khi nền thương mại toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ. Trong giai đoạn đó, Trung Quốc nổi lên là trung tâm đóng tàu hàng đầu với việc sản xuất hàng loạt tàu container, tàu chở hàng rời, tàu chở dầu và tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Theo báo cáo từ Clarkson Research, tính đến tháng 9, các xưởng đóng tàu Trung Quốc chiếm 86% đơn đặt hàng tàu mới trên toàn cầu.
Sự thống trị của Trung Quốc trong ngành đóng tàu không chỉ đến từ quy mô sản xuất lớn mà còn nhờ vào nhiều yếu tố khác. Đầu tiên, chi phí lao động tại Trung Quốc thấp hơn khoảng 50% so với Hàn Quốc hoặc Nhật Bản – những quốc gia cũng nổi tiếng với ngành đóng tàu. Bên cạnh đó, các xưởng đóng tàu Trung Quốc có thể tiếp cận nguồn thép giá rẻ, một lợi thế đáng kể trong việc giảm chi phí sản xuất.
Chính phủ Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng khi cung cấp bảo lãnh hoàn trả tài chính cho một số loại tàu nhất định. Chính sách này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nhà sản xuất và khuyến khích đầu tư lớn vào ngành công nghiệp đóng tàu.
Trong khi Trung Quốc tập trung vào việc gia tăng thị phần và sản xuất quy mô lớn, một cường quốc ngành đóng tàu khác là Hàn Quốc lại chọn cách tiếp cận khác. Các công ty đóng tàu Hàn Quốc tập trung vào những đơn hàng có giá trị cao và đáng tin cậy, như tàu chở LNG. Những tàu này yêu cầu công nghệ tiên tiến và mang lại lợi nhuận cao, giúp Hàn Quốc duy trì vị thế dẫn đầu về hiệu quả và chất lượng.
Đóng tàu cũng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc so với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc phần lớn các đơn hàng của Trung Quốc được thực hiện trong nước giúp quốc gia này giảm sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
Công ty tư vấn Hartland Shipping Services dự báo ngành đóng tàu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững trong tương lai gần và Trung Quốc sẽ tiếp tục hưởng nhiều lợi ích. Theo báo cáo, nhu cầu thị trường đối với tàu container mới đã đạt đỉnh cao nhất kể từ quý 2/2021. Điều này cho thấy ngành đóng tàu toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ và sẽ còn phát triển trong những năm tới.