Ngành đồ uống trước nỗi lo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ này là đối tượng chịu tác động trực tiếp, bởi khi tăng thuế, doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán, đối mặt nguy cơ giảm doanh thu và thua lỗ.

Lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống liên tục giảm, năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước. Nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung, dài hạn, sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đồ uống lớn tại Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp FDI.

Nhiều doanh nghiệp đồ uống lớn tại Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp FDI.

Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam, cho biết: ''Chúng tôi thấy rằng cũng cần phải có khung thời gian cho mức thu nhập của người tiêu dùng trở lại ổn định và cải thiện trước khi có mức độ tăng thuế và điều này cũng thống nhất với kinh nghiệm quốc tế ở Bỉ và Anh.

Bỉ đã từng tăng mức thuế với rượu mạnh lên 40% và đã chứng kiến doanh số sụt giảm, đối với Anh đầu năm nay cũng dự kiến tăng thuế và đã chứng kiến sự sụt giảm doanh thu thuế hơn 100 triệu bảng Anh và họ đã phải ngừng lại''.

Ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc VBA, cho biết: ''Quan điểm của chúng tôi là còn thiếu căn cứ, chưa có xem xét đến mức độ ảnh hưởng là người dân, ví dụ chúng ta nhìn thấy đại đa số người dân Việt Nam ở khu vực nông thôn và miền núi thu nhập rất hạn chế nhưng thuế TTĐB là thuế điều chỉnh hành vi người tiêu dùng và trong trường hợp này nó sẽ tác động không nhỏ tới đời sống người dân''.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng đồ uống trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao, liên tục, có thể làm tăng giá bán, khiến doanh nghiệp hạn chế sản xuất rượu bia và có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đồ uống lớn tại Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp FDI, thuế tăng sẽ khiến môi trường đầu tư giảm hấp dẫn.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, chia sẻ: ''Khi chúng ta đưa ra một chính sách thuế nhưng chúng ta đưa cao hoặc tăng nhanh thì các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản xuất sẽ ảnh hưởng.

Tất nhiên thuế TTĐB nằm trong giá, thì nếu như hiện nay là 65% thì giá bán sẽ có 65% thuế, nhưng nếu tăng lên 70-80 thì giá bán cũng tăng tương ứng và rõ ràng như thế người sản xuất không thể chịu lỗ và đương nhiên sẽ nâng giá, người tiêu dùng sẽ rất khó đảm bảo nên sẽ chuyển hướng sang bia rượu nhập lậu''.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ts.Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết: ''Có những doanh nghiệp họ đã đầu tư vào Việt Nam đến 30 năm và với những chính sách như vậy thì sẽ tác động rất nặng nề tới hình ảnh chung của môi trường kinh doanh Việt Nam.

Mặt khác cũng phải thấy rằng lộ trình tăng thuế hàng năm có lẽ cần ra soát lại để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh chúng ta cũng đã có những giải pháp hiệu quả khác như Nghị định 100 hay Luật GT đường bộ''.

Quốc Dũng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nganh-do-uong-truoc-noi-lo-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-257245.htm
Zalo