Ngành dệt may cần tìm giải pháp ứng phó với thuế quan của Mỹ

Quyết định áp thuế nhập khẩu đối ứng lên tới 46% của Mỹ đối với Việt Nam dự báo sẽ khiến ngành dệt may trong nước đối mặt nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp dệt may đang phải gồng mình tìm kiếm giải pháp để ứng phó và ổn định sản xuất.

Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm dệt may hàng đầu thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mỹ năm 2024 đạt 16,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Mỹ một lượng nguyên phụ liệu trị giá 1,2 tỷ USD, bao gồm bông (681 triệu USD), vải (46 triệu USD) và các nguyên phụ liệu khác (469 triệu USD).

Tuy nhiên, mức thuế 46% mà Mỹ có kế hoạch áp dụng với hàng hóa Việt Nam sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với ngành.

Các doanh nghiệp dệt may sẽ phải đối mặt với áp lực thuế từ Mỹ

Các doanh nghiệp dệt may sẽ phải đối mặt với áp lực thuế từ Mỹ

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, mức thuế suất 46% đối với Việt Nam mà Mỹ dự kiến áp dụng từ ngày 20/4/2025 thực sự là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp dệt may. Ông Cẩm cho rằng, đây là một mức thuế quá cao và hoàn toàn bất ngờ. Biên lợi nhuận của ngành dệt may vốn đã rất mỏng, phải cạnh tranh khốc liệt với các nước khác.

Theo ông Cẩm, mức thuế 46% sẽ khiến hàng hóa Việt Nam mất hoàn toàn lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%), Bangladesh (37%), Indonesia (32%), Mexico (25%), Campuchia (49%), Pakistan (29%), Thổ Nhĩ Kỳ (10%), Honduras (10%).

Đáng chú ý, ông Cẩm cũng chỉ ra một thực tế là ngành dệt may Việt Nam không hề cạnh tranh trực tiếp với ngành dệt may Mỹ mà đang dần chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu dệt may của Trung Quốc sang thị trường này. Minh chứng là tỷ trọng nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm từ 32,8% (năm 2019) xuống còn 24,62% (năm 2024), trong khi của Việt Nam lại tăng từ 12,98% lên 15,07% trong cùng giai đoạn.

Bên cạnh đó, mức thuế lần này còn làm giảm sức hấp dẫn đầu tư vào các khâu trọng yếu của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là dệt vải và nhuộm - những yếu tố then chốt để đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đang giao dịch hợp đồng cho các quý tới. Các đơn hàng có xu hướng chững lại vì nghe ngóng các chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump. Điều này cho thấy sự bất ổn và tâm lý thận trọng đang bao trùm các doanh nghiệp trong ngành.

Đứng trước bối cảnh nhiều thách thức trong thời gian tới đối với ngành, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng có những giải pháp thích ứng nhanh với tình hình mới để giảm thiểu thiệt hại và duy trì hoạt động. Trong đó, cần tập trung đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia đã ký kết FTA với Việt Nam như các nước CPTPP, EVFTA, UKVFTA...; tích cực đàm phán với các nhãn hàng, nhà mua hàng quốc tế để chia sẻ khó khăn, tìm kiếm sự hỗ trợ về giá hoặc thời gian giao hàng đối với các đơn hàng đã ký kết hoặc đang sản xuất; rà soát và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu nhập khẩu nguyên phụ liệu đến sản xuất và xuất khẩu, sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả; đồng thời tăng cường minh bạch về nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu, điều này không chỉ giúp đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, mà còn có thể tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Tại buổi họp khẩn do Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì để bàn về các giải pháp xử lý vấn đề sau thông tin về mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ dự kiến áp dụng lên hàng hóa Việt Nam, đại diện Vitas và các doanh nghiệp cũng đã đưa ra những kiến nghị khẩn thiết gửi Chính phủ. Trong đó, mong muốn Chính phủ cần nhanh chóng tiến hành đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế quá cao 46% và cụ thể hóa cho từng mặt hàng, nhóm hàng; đồng thời, đưa ra các giải pháp cụ thể để giảm dần thâm hụt thương mại giữa hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán các FTA với các thị trường tiềm năng như Canada (năm 2024, xuất khẩu dệt may sang Canada đạt 1,23 tỷ USD, tăng 147% so với năm 2019). Đặc biệt, cần đàm phán để giảm bớt các quy định khắt khe về quy tắc xuất xứ, đưa quy tắc xuất xứ 3 công đoạn trong CPTPP về 2 công đoạn mà cả Việt Nam và Canada cùng quan tâm…

Cho rằng mức thuế 46% là rất cao, cao hơn nhiều so với dự đoán, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, thừa nhận trước mắt, việc tăng thuế suất có thể gây ra một số tác động làm giảm nhu cầu tại thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp trong hệ thống Tập đoàn nói riêng và ngành dệt may nói chung cần bình tĩnh, sáng suốt đưa ra các giải phải mang tính bền vững; tăng cường công tác quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua quản trị thông minh và tăng năng suất lao động; sẵn sàng đàm phán với khách hàng trên tinh thần cùng chia sẻ khó khăn, quyết tâm ổn định lực lượng sản xuất.

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sắc lệnh áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại, dao động ở mức từ 10% đến 50%. Trong sắc lệnh này, Việt Nam thuộc nhóm các nước chịu mức thuế cao nhất là 46%.

Nguyễn Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-det-may-can-tim-giai-phap-ung-pho-voi-thue-quan-cua-my-162396.html
Zalo