Ngành Công Thương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024
Chiều ngày 7/1, tại họp báo thường kỳ quý IV năm 2024 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã khẳng định ngành Công Thương đã hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Ngành Công Thương thực hiện Kế hoạch phát triển năm 2024 trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát giảm chậm. Chính sách tiền tệ thắt chặt từ những năm trước tiếp tục duy trì đến hết quý III mới được nới lỏng một phần. Chuỗi cung ứng toàn cầu, các luồng vận tải trọng yếu luôn đứng trước nguy cơ đứt gãy, gián đoạn. Xu hướng phi toàn cầu hóa trỗi dậy, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau.
Mặt khác, các nước thị trường xuất khẩu tăng cường áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; Xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số tiếp tục định hình lại dòng vốn đầu tư FDI toàn cầu... đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát diễn biến tình hình biến động của kinh tế trong nước và thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Đến nay, ngành Công Thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.
Trong đó, phải kể đến một số kết quả nổi bật như tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách. Trọng tâm là việc chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), thông qua chủ trương tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều chính sách mới, tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo. Giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngành Công Thương là cán cân của nền kinh tế đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất... Đặc biệt là kỳ tích hoàn thành Đường dây 500 kV mạch 3 với nhiều kỷ lục và các dự án trọng điểm ngành năng lượng.
Năm 2024, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15,4% so với năm trước, đặc biệt xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu. Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô; Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%).
Cả nước có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 02 mặt so với năm 2023), chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Đơn cử như xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3% (cùng kỳ năm trước giảm 11,6%); thị trường EU đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5,9%); Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,7% (cùng kỳ giảm 3,4%).
Ngược lại chiều hướng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt đạt 60,6 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,4%) và xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 24,6 tỷ USD, giảm 1,2% (cùng kỳ giảm 3,2%).
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục với IIP tăng 8,4%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay, trong đó IIP ngành chế biến chế tạo tăng 9,6% (so với mức tăng 1,5% trong năm 2023). Công nghiệp là ngành tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô: giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,32% so với năm trước, là mức tăng gần cao nhất trong giai đoạn 2019-2024 (chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022), đóng góp 2,70 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83% (chỉ thấp hơn mức tăng của các năm 2011, 2016, 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024), đóng góp 2,49 điểm phần trăm); Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích tăng trưởng công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước (tăng ở 60/63 địa phương), nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi nhanh và duy trì đà tăng tích cực (như Bắc Giang tăng tới 27,7%).
Ngành Công Thương liên tục thúc đẩy các doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), thúc đẩy tiến trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam. Cùng với hội nhập quốc tế, các sản phẩm của Việt Nam cũng như sản phẩm từ nước ngoài xâm nhập vào thị trường trong nước liên tục tăng cao, bởi vậy công tác phòng vệ thương mại (PVTM) cũng liên tục đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Đáng chú ý các ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam được bảo vệ trong năm qua như: ngành sản xuất thép (14 biện pháp); thực phẩm (5 biện pháp); hóa chất (4 biện pháp); vật liệu xây dựng (2 biện pháp).
Về thị trường trong nước cũng có mức tăng trưởng vững chắc (9%), ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong đó nổi bật là thương mại điện tử của Việt Nam đã vượt mốc doanh thu 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Bộ Công Thương là chủ trì về công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về TMĐT tạo môi trường ngày càng lành mạnh để phát triển TMĐT, bảo vệ người tiêu dùng và tiếp tục tăng cường TMĐT xuyên biên giới.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp bộ máy “tinh, gọn, mạnh” theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Bộ đã đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong các cục, vụ, văn phòng Bộ. Trong khi đó lượng công việc cần phải xử lý, giải quyết đã tăng cao so với năm 2023 là một áp lực rất lớn đối với Tập thể lãnh đạo, cán bộ ngành Công Thương.
Có thể khẳng định rằng, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước hai lĩnh vực nền tảng (Công nghiệp - Thương mại) nên có trách nhiệm cực kỳ nặng nề trong cải cách thể chế, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước