Ngành công thương chống lãng phí, tạo đột phá để bước vào kỷ nguyên mới

Hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chỉ đạo đơn vị trong bộ, doanh nghiệp ngành quán triệt và triển khai thực hiện.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển do Báo Công Thương tổ chức tại Hà Nội sáng 23/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ: Là một bộ kinh tế đa ngành, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và các công chức, viên chức của Bộ Công Thương không chỉ bám sát và tuân thủ chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế ngành mà còn coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của ngành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ngành công thương chiếm tỷ trọng rất lớn của nền kinh tế nên nếu làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế đất nước. Do đó, hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chỉ đạo các đơn vị trong bộ, doanh nghiệp trong ngành quán triệt và triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức về tiết kiệm, phòng chống lãng phí.

Đáng lưu ý, năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, ngành công thương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên mọi mặt.

Nổi bật như, đã tạo được sự đột phá trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp; tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; tách A0 ra khỏi EVN để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội.

“Năm 2024, Bộ cũng đã chủ động, quyết liệt tinh, gọn, mạnh bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong” ,Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ.

Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu song

Bộ Công Thương xác định phải tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ mong muốn các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh phòng chống lãng phí, tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế, chính sách và tạo sự phát triển đột phá của ngành công thương trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu tham gia tham luận một số vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh việc thực hiện thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Các đại biểu tham gia tham luận một số vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh việc thực hiện thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Lê Hải Bình- Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, trong lịch sử hình thành và phát triển của mỗi một quốc gia, chống tham ô, lãng phí luôn là vấn đề nan giải, một cuộc chiến thường trực gắn liền với vận mệnh, sự tồn vong của Nhà nước, Chính phủ. Bởi, tiết kiệm, chống lãng phí là nguyên tắc căn bản trong quản lý, gia tăng nguồn lực để phát triển của nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Lê Hải Bình, cạnh tranh giữa các cường quốc, sự gia tăng tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của thách thức an ninh truyền thông và phi truyền thống đang đe dọa nghiêm trọng tới sự phát triển của các quốc gia, sự thịnh vượng toàn nhân loại; trong đó, dịch COVID-19 là ngòi nổ gây ra tình trạng suy thoái nghiêm trọng nền kinh tế toàn cầu.

Quang cảnh diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí khơi thông nguồn lực phát triển. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí khơi thông nguồn lực phát triển. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho hay, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây 500kV mạch 3 đã mang lại nhiều hiệu quả và kết quả rõ rệt, nhất là trong việc tiết kiệm, chống lãng phí nguồn điện và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Cụ thể, việc đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV mạch 3 giúp phân bổ lại tải giữa các tuyến, giảm tình trạng quá tải, giảm tổn thất điện năng và nâng cao hiệu quả truyền tải.

“Một trong những hiệu quả rõ rệt của việc triển khai mạch 3 là khả năng kết nối các nguồn điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) với hệ thống điện quốc gia. Các nguồn điện tái tạo, nhất là điện mặt trời và điện gió, có tính không ổn định và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường dây 500kV mạch 3 giúp giảm lãng phí nguồn điện này bằng cách truyền tải kịp thời và hiệu quả đến các khu vực có nhu cầu sử dụng điện”, ông Phạm Lê Phú nêu rõ.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-cong-thuong-chong-lang-phi-tao-dot-pha-de-buoc-vao-ky-nguyen-moi/357744.html
Zalo