Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tạo bước đột phá khi chủ động sản xuất, chế tạo động cơ ô tô

Ngày 7-9, Tập đoàn Kim Long Motor (Việt Nam) đã công bố thông tin đơn vị này vừa thực hiện ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ với Tập đoàn Yuchai (Quảng Tây, Trung Quốc), đơn vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chế tạo động cơ. Hoạt động ký kết diễn ra vào ngày 6-9 tại trụ sở Tập đoàn Yuchai đã tạo nên bước ngoặt cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi lần đầu tiên có doanh nghiệp của Việt Nam chủ động sản xuất động cơ ô tô và động cơ phục vụ cho các lĩnh vực nông nghiệp, dân dụng khác.

Theo thỏa thuận hợp tác, Tập đoàn Yuchai cấp phép độc quyền cũng bao gồm các hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất chế tạo động cơ, chuyển giao dịch vụ kỹ thuật xây dựng hệ thống số hóa, cung cấp dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất cho Kim Long Motor để triển khai chế tạo, sản xuất động cơ tại nhà máy sản xuất động cơ ô tô của Kim Long Motor tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Sản phẩm của nhà máy đa dạng các dòng động cơ: Sử dụng trong sản xuất ô tô, động cơ thủy, động cơ cho máy phát điện, động cơ dùng sản xuất nông nghiệp và động cơ cho các máy dùng trong sản xuất các công trình dân dụng…

 Kim Long Motor và Yuchai cùng ký kết hợp tác sản xuất, chế tạo động cơ.

Kim Long Motor và Yuchai cùng ký kết hợp tác sản xuất, chế tạo động cơ.

Công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của nước ta và được Chính phủ khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn. Từ đó, ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành nhận được nhiều ưu đãi từ phía Nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính phủ đã có nhiều chính sách giảm thuế đối với nhập khẩu linh kiện, thuế trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước...

Cuối tháng 8-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29-8-2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước, trong đó mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục được áp dụng bằng mức 50% mức thu lệ phí trước bạ quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15-1-2022 của Chính phủ.

 Doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước nâng dần tỷ lệ nội địa hóa để tăng sức cạnh tranh.

Doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước nâng dần tỷ lệ nội địa hóa để tăng sức cạnh tranh.

Thách thức lớn nhất của ngành ô tô Việt Nam là hầu hết đều phải nhập động cơ, thành phần quan trọng và chiếm giá thành cao của ô tô thành phẩm, dẫn đến giảm lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô. Hiện các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tăng trưởng khá nhanh, cùng với tỷ lệ nội địa hóa cao nhờ các chính sách khuyến khích, phát triển, hợp tác của Chính phủ. Năm 2020, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước gần 324.000 xe. Năm 2023 đạt gần 350.000 xe. Đây được xem là điều kiện mang lại nhiều cơ hội cho việc sản xuất, chế tạo động cơ ô tô.

Theo ông Đào Viết Ánh, Thành viên HĐQT Kim Long Motor, Việc Kim Long Motor chủ động sản xuất, chế tạo động cơ là bước đột phá của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, từ đó mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho sản phẩm động cơ Yuchai tại Việt Nam và khu vực, bảo đảm nguồn cung động cơ cho sản xuất nội địa và xuất khẩu. Việc ký kết với Tập đoàn Yuchai là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu và xác định đây là tập đoàn hàng đầu, có nhiều kinh nghiệm, nổi tiếng với công nghệ tiên tiến và cam kết phát triển bền vững, có quy mô toàn cầu. Kim Long Motor sẽ tận dụng thế mạnh và cơ hội hợp tác này để sản xuất đa dạng các sản phẩm động cơ phù hợp với nhu cầu của thị trường Việt Nam và ASEAN, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đủ sức cạnh tranh, mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng ô tô trong nước và xuất khẩu.

BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nganh-cong-nghiep-o-to-viet-nam-tao-buoc-dot-pha-khi-chu-dong-san-xuat-che-tao-dong-co-o-to-792977
Zalo