Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn và nạn 'chảy máu chất xám'
Lựa chọn chính thức năm nay cho 'Liên hoan phim Cannes' không có phim Hàn Quốc. Các nền tảng phát trực tuyến đã thu hút hết tài năng, làm nổi bật tình trạng 'chảy máu chất xám' đang hoành hành trong ngành công nghiệp điện ảnh nước này.
Theo danh sách phim chính thức do Liên hoan phim Cannes công bố, diễn ra từ ngày 13 đến 24/5, sẽ không có phim Hàn Quốc nào được trình chiếu. Một bộ phim hoạt hình ngắn của Hàn Quốc, Glasses, do Jung Yoo Mi đạo diễn, sẽ được trình chiếu trong tuần lễ phê bình, một sự kiện do "Liên đoàn phê bình phim Pháp" tổ chức diễn ra song song với liên hoan phim. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, không có phim Hàn Quốc nào được đưa vào danh sách đề cử chính thức. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp không có phim Hàn Quốc nào được trình chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes.

Mulleya Mulleya được chọn là Phim hay nhất tại Lễ trao giải Grand Bell. Nó đã được trình chiếu trong hạng mục "Không nhất định" của Liên hoan phim Cannes 1984.
Phim Hàn Quốc đã được trình chiếu thường xuyên tại Cannes kể từ năm 1984 tổ chức tại French Riviera, khi Mulleya Mulleya của Lee Doo Yong trở thành tác phẩm đầu tiên của Hàn Quốc được chọn tham dự Liên hoan phim, và đã được sự công nhận mạnh mẽ tại đây.

Năm 2022, Park Chan Wook đã giành giải đạo diễn xuất sắc nhất tại liên hoan phim với Decision to Leave, trong khi Song Kang Ho được vinh danh là nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn trong Broker, một bộ phim Hàn Quốc do nhà làm phim người Nhật, Hirokazu Koreeda đạo diễn.
Phim Hàn Quốc cũng bị lu mờ tại Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông được tổ chức vào tháng 4 vừa qua khi chỉ có hai phim By the Stream và The Land of Morning Calm được trình chiếu so với 17 phim Nhật Bản. Các nhà quan sát và chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải tiếp cận và thúc đẩy một thế hệ nhà làm phim Hàn Quốc mới kế thừa.
Theo Jason Bechervaise, phó giáo sư tại ĐH Hanyang ở Seoul chuyên về ngành công nghiệp văn hóa và truyền thông Hàn Quốc, các bộ phim Hàn Quốc được chọn trình chiếu tại Cannes chủ yếu là tác phẩm của các nhà làm phim nổi tiếng như Park Chan Wook, Lee Chang Dong và Bong Joon Ho... còn các nhà làm phim trẻ và mới nổi hiếm khi được mời trình bày tác phẩm của họ tại liên hoan phim. Để có cái nhìn xa hơn trong tương lai, ngành công nghiệp điện ảnh Hàn cần phải hướng đến thế hệ nhà làm phim tiếp theo, với các hãng phim trao nhiều cơ hội hơn cho các đạo diễn trẻ, tài năng để sáng tạo ra các sản phẩm mới, thay vì đi theo lối mòn tập trung vào các nhà đạo diễn đã thành danh.
Netflix, 'con dao hai lưỡi' đối với nền công nghiệp điện ảnh Hàn
Tại Hàn Quốc, Netflix có lợi thế tương đối trên thị trường nền tảng phát trực tuyến (OTT) và không thể phủ nhận nó đã góp phần đưa phim Hàn tiếp cận rộng rãi hơn với nhu cầu giải trí trên toàn cầu nhưng việc thu hút các nhóm nhà làm phim trẻ đã dẫn đến sự suy giảm của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn. Đặc biệt, khi chính những đạo diễn trẻ cũng như khán giả ở chính Hàn Quốc nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đều mong muốn xem những bộ phim có ý nghĩa, tạo nên sự khác biệt nhưng lại không được trao cơ hội ở trong nước.
Trong những năm gần đây, xu hướng chung của các nhà sáng tạo là cố gắng phát triển nội dung nhắm mục tiêu đến các nền tảng phát trực tuyến toàn cầu, trong đó đặc biệt là Netflix. Hiện tượng chảy máu chất xám khiến thị trường OTT nội địa với những đơn vị đến sau như Disney+ và Tving bị lép vế khi thiếu đi những tác phẩm nội dung gốc có cách kể chuyện khác biệt, đa dạng về thể loại và chiều sâu nội dung đủ 'hot' để cạnh tranh.

Ryu Jun Yeol (trái) và Shin Min Jae trong một cảnh quay từ bộ phim Revelations của Hàn Quốc năm 2025 trên Netflix, do Yeon Sang Ho đạo diễn.
Một ví dụ đáng chú ý là đạo diễn Yeon Sang Ho, vẫn nổi tiếng nhất với bộ phim 'bom tấn' về thây ma năm 2016, Train to Busan và phần tiếp theo Peninsula năm 2020, cả hai đều được chọn công chiếu tại Cannes, dù buổi chiếu của phần sau đã bị hủy vì đại dịch COVID-19. Trong những năm kể từ đó, Yeon đã đạo diễn hai loạt phim truyền hình (Hellbound, Parasyte: The Grey) và hai phim điện ảnh (Jung_E, Revelations), tất cả đều dành cho Netflix. Nội dung Hàn Quốc là nội dung được xem nhiều nhất trong số các chương trình không phải tiếng Anh của Netflix vào năm 2023 và 2024.

Phần thứ hai của Squid Game đã đạt 87 triệu lượt xem trong 6 ngày đầu tiên phát trực tuyến vào cuối tháng 12/2024 và là chương trình Netflix phổ biến nhất trong nửa cuối năm 2024.
Khi những người sáng tạo trẻ cố gắng làm những bộ phim thể loại hướng đến mục tiêu thương mại theo định hướng của Netflix, họ không thể nhấn mạnh vào những bộ phim truyền hình thể hiện những cuộc đấu tranh và khía cạnh bản ngã của con người. Họ trở nên thành thạo trong việc tạo ra những bộ phim thuộc thể loại mà Netflix tập trung vào, chẳng hạn như phim về thây ma, phiêu lưu và khoa học viễn tưởng, nhưng không làm những bộ phim giải quyết các vấn đề rộng hơn bao gồm biến đổi khí hậu, chiến tranh và chính trị, xã hội thậm chí cả những câu chuyện về LGBTQ theo kiểu được các liên hoan phim như Cannes ưa chuộng.
Nội dung Hàn Quốc vẫn phổ biến trên toàn thế giới trên các nền tảng phát trực tuyến và có lẽ đó là một cách xem phim mới, khi mà rạp chiếu phim có thể không còn là hình thức xem phim chủ đạo nữa. Điều này dẫn đến một hệ lụy chung phổ biến trên toàn thế giới kể từ đại dịch Covid-19 là nền công nghiệp điện ảnh trong nước sẽ phải gánh chịu cảnh thiếu đầu tư và lợi nhuận.
Tháng trước, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cho biết ngành công nghiệp điện ảnh đã không thu hồi được 16,4% số tiền đã đầu tư vào việc làm phim trong năm 2024, so với mức lợi nhuận là 10,9% vào năm 2019. Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng? Các nhà quan sát và chuyên gia cho biết cả cơ hội và nguy hiểm đều đang ở phía trước.

(Từ trái sang) Choi Woo Shik, Song Kang Ho, Jang Hye Jin và Park So Dam trong một cảnh quay từ Parasite (Ký sinh trùng) năm 2019.
Các rạp chiếu phim Hàn Quốc sẽ chiếu ít phim trong nước hơn trong những năm tới khi lượng phim tồn đọng (do đại dịch gây ra từ trước đó) đã được giải quyết, vì các hãng phim không muốn tài trợ cho các sản phẩm mà "không còn là động lực thúc đẩy của ngành". Điều này phù hợp với dự đoán của hội đồng phim rằng sẽ có từ 10 đến 14 phim Hàn Quốc được phát hành trong năm nay so với 37 phim vào năm 2024. Mặt tích cực là có nhiều phim có lãi hơn, 11 phim vào năm ngoái so với năm 2023, khi chỉ có 6 phim hòa vốn. Hơn nữa, một nửa số phim có lãi trong năm 2024 có kinh phí sản xuất dưới 10 tỷ won (7 triệu đôla). Thực tế là có ít khán giả ra rạp xem phim Hàn Quốc hơn không có nghĩa là sự sụp đổ của họ là điều không thể tránh khỏi, nếu như các nhà đầu tư có thể nhìn xa hơn những tiêu đề tiêu cực và thấy rằng một số bộ phim vẫn đang tạo ra doanh thu.
Cơ hội cho những hướng đi mới
Lễ trao giải nghệ thuật Baeksang lần thứ 61, một trong ba giải thưởng lớn quốc gia, diễn ra vào ngày 5/5 vừa qua, cho thấy cách tiếp cận đầy triển vọng đối với nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Đó là đi sâu vào các tác phẩm gắn liền với đề tài gần gũi trong thực tế như gia đình, tình thân, tình yêu, trong đó đặc biệt đề cao vai trò của người phụ nữ, có thể thấy qua sự thành công từ 'cơn sốt' When Life Gives You Tangerines, Kẻ phản bội thân mật (Doubt), Ordinary Family, Hear Me: Our Summer, Revolver, Jeong Nyeon... Ngoài ra, các nhà đầu tư bắt đầu chú trọng đến một nhóm các bộ phim chính kịch liên quan đến lịch sử, chiến tranh, luật pháp hay tái hiện lại các vấn đề xã hội tồn đọng hiện nay ở Hàn Quốc như Harbin, Pilot, Uprising, The Land of Happiness...

Disney+ và Tving tiếp tục đầu tư chiến lược vào nội dung gốc Hàn Quốc, cùng những dự án quy mô lớn, với dàn diễn viên và đội ngũ sản xuất hàng đầu, kết hợp nhiều thể loại đa dạng với nhau, nêu bật sự phát triển của văn hóa đại chúng và nghệ thuật, để có các cuộc phản công mạnh mẽ trên thị trường nền tảng OTT, nửa cuối năm 2025.