Ngành công nghiệp cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Bài 2: Đổi mới toàn diện

Đảng, Nhà nước tiếp tục định hướng phát triển mới cho ngành công nghiệp nhằm tạo sức bật tốt cho nền kinh tế bước vào kỷ nguyên mới - tự lực, tự cường.

Định hướng mới cho ngành công nghiệp

Sức vươn mạnh mẽ của ngành công nghiệp trong suốt chiều dài phát triển của đất nước kể từ khi giành độc lập, thời kỳ đổi mới đến nay đã minh chứng những quyết sách của Đảng hoàn toàn đúng đắn và có tầm nhìn chiến lược. Thế giới luôn vận động, liên tục có yếu tố mới ra đời, cần đáp ứng. Đảng đã nhận thức rõ ràng về điều này và đi trước trong công tác chỉ đạo.

Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ cũng đồng thời đặt mục tiêu trong ngắn và dài hạn cho ngành công nghiệp. Trong đó, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Công nghiệp Việt Nam luôn kiên định mục tiêu hiện đại hóa. Ảnh: Trần Tiên

Công nghiệp Việt Nam luôn kiên định mục tiêu hiện đại hóa. Ảnh: Trần Tiên

Cụ thể, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ngành công nghiệp đã cùng đất nước vượt qua bao gian lao, thử thách, tiếp tục được giao nhiệm vụ sát cánh bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tự hào với thế giới về lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam cùng sự tin tưởng về một đất nước hùng cường trong tương lai, tại buổi thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được bắt nguồn từ con đường đúng đắn đã lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với nỗ lực và quyết tâm của toàn dân tộc. Vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, từ một đất nước thân phận nô lệ, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã giành lại độc lập và ngày nay đã khẳng định vị trí của một nền kinh tế phát triển năng động với quy mô của nền kinh tế và thương mại lần lượt ở top 40 và 20 trên thế giới.

Chỉ rõ con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại, Tổng Bí thư cho rằng, Việt Nam không thể thực hiện các mục tiêu cao cả nói trên nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; sẽ tiếp tục là điểm đến ổn định, tin cậy và hấp dẫn với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách nước ngoài. Con đường để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình là đổi mới sáng tạo, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành công nghiệp vẫn kiên quyết phát triển theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời tiến thêm một bậc nữa là tăng trưởng xanh, tuần hoàn và bền vững thông qua đổi mới toàn diện về sản xuất, quản lý và nguồn nhân lực.

Những con “sếu đầu đàn” và nỗ lực tự chủ tiến vào kỷ nguyên mới

Ngành công nghiệp Việt Nam được ghi nhận có nền tảng và sức bật tốt cho bước tiến trên con đường tự chủ tự cường khi đã có những “sếu đầu đàn” dẫn dắt trong những ngành công nghiệp nền tảng.

Trong ngành ô tô, Thaco Trường Hải là một điển hình. Đến nay, tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp ngày một cao hơn có những dòng xe lên tới 70%. Các doanh nghiệp và đơn vị vệ tinh cho Trường Hải bao gồm: Trung tâm R&D; Trung tâm Cơ khí chế tạo và 17 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng.

Rô bốt hàn đang làm việc trong xưởng hàn thân xe tại Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast. Ảnh minh họa

Rô bốt hàn đang làm việc trong xưởng hàn thân xe tại Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast. Ảnh minh họa

Với dòng xe điện thì Vinfast đang là đơn vị tiên phong với nội địa hóa được 60% từ khung gầm, nội thất, ngoại thất, hệ thống điện, hệ thống tự động hóa, các phần mềm nhúng ứng dụng AI, hệ thống JIG hàn thân vỏ xe của các nhà sản xuất trong nước. Trong thời gian tới, Vinfast có thể làm chủ hoàn toàn việc sản xuất pin sau khi khởi động nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ, theo dõi diễn biến kinh tế thế giới hiện đại, một số doanh nghiệp tiến vượt trong một thời gian ngắn thường liên quan tới các lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới, đa phần gắn với kỹ thuật số, mạng toàn cầu, trí tuệ nhân tạo,… Trong khi đó, VinFast lại gắn với một mảng rất truyền thống là ô tô, không những thế, còn ở loại hình mới nhất là ô tô điện. Đây vốn là và đang là “chiến trường” khốc liệt, khó khăn bậc nhất trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Thế mà VinFast đã vượt lên, đạt vị trí số 1 trong thời gian kỷ lục thì phải nói là tuyệt vời.

Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng xe điện là lĩnh vực “phát triển xanh”, là hướng phát triển tiên phong, dẫn dắt thời đại, là “thách thức sinh tử” của nhân loại, có giá trị mang lại sự bền vững môi trường, cho cuộc sống của các thế hệ mai sau. Chính điều đó thể hiện rõ ý nghĩa của vị trí số 1 mà VinFast đạt được”- PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Hay như công nghiệp thép, từ một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thép nhập khẩu, đến nay, ngành thép Việt Nam đã vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ nền công nghiệp thép với tổng công suất sản xuất 25 triệu tấn thép thô/năm, xuất khẩu thu về hàng chục tỷ USD. Đặc biệt, từ chỗ phụ thuộc vào thép nhập khẩu, đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu thép với kim ngạch hàng tỷ USD mỗi năm.

Không chỉ riêng ngành thép, các ngành công nghiệp khác của Việt Nam cũng đã có những bước tiến vượt bậc. Ví dụ, ngành công nghiệp hóa chất đã sản xuất các sản phẩm phân bón, hàng tiêu dùng, hóa chất, sản phẩm cao su… cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu tới 40 nước trên thế giới. Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Hữu Tú thông tin, mỗi năm, tập đoàn sản xuất 1,06 triệu tấn đạm, 660.000 tấn DAP, hơn 2 triệu tấn NPK, đóng góp vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp. “Từ nay đến năm 2025, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dự kiến đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng nhằm đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, mở rộng thị trường, góp phần nâng cao tính tự chủ của các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Tú chia sẻ.

Với vai trò là cơ quan chủ quản, hiện thực định hướng của Đảng về phát triển ngành công nghiệp vững mạnh, tự chủ, Bộ Công Thương đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách cụ thể. Trong đó có Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030. Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển thân thiện với môi trường, công nghiệp xanh...

Chiến lược sẽ huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Dù vậy, theo các chuyên gia, nhà quản lý, muốn phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh của các ngành công nghiệp Việt Nam.

Sâu xa hơn, để có một nền công nghiệp thực sự phát triển, đóng vai trò then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ góc độ của Bộ Công Thương cần có cách tiếp cận, tư duy mới về mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; khuyến khích phát triển hài hòa/hợp lý các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới; dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, các chính sách vĩ mô cần được điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho các nguồn lực xã hội (vốn, nguồn nhân lực…) hướng vào lĩnh vực sản xuất nói chung và các ngành công nghiệp nền tảng nói riêng. Sản xuất công nghiệp hiện nay được tổ chức theo chuỗi giá trị (thượng nguồn - trung nguồn - hạ nguồn) rất chặt chẽ. Do đó, ưu tiên của việc phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp nền tảng là tham gia sâu nhất vào chuỗi giá trị của ngành, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của đất nước so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cũng như nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm. Luật này sẽ tập trung điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, có tác động lan tỏa thúc đẩy tới các ngành công nghiệp và kinh tế khác.

Việc xây dựng và ban hành Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đáng chú ý, Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023. Đề án đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của cả nước, nhất định ngành công nghiệp Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại. Đồng thời cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới- tự lực, tự chủ, tự cường và tự hào dân tộc.

Theo Bộ Công Thương, để góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới - năm bứt phá để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo nền tảng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, bao gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Hải Linh - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-nghiep-cung-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-bai-2-doi-moi-toan-dien-371768.html
Zalo