Ngành công nghiệp chuyển mình trong bối cảnh mới

Chính phủ Việt Nam đã triển khai lộ trình ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2050, với mục tiêu không chỉ phát triển năng lực lắp ráp chip mà còn mở rộng sang các hoạt động nghiên cứu và thiết kế (R&D). Trong giai đoạn 2024 - 2030, Việt Nam đạt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài song song với xây dựng năng lực cạnh tranh nội địa, hướng đến đào tạo hơn 50.000 kỹ sư và hình thành 100 doanh nghiệp thiết kế chip. Tới năm 2040, tầm nhìn của Việt Nam là đạt được khả năng tự chủ với nhiều cơ sở sản xuất và kiểm định chip trong nước, hướng tới vị thế dẫn đầu trong ngành bán dẫn.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay Việt Nam đang là “điểm đến” thu hút các nhà sản xuất toàn cầu trong nhiều lĩnh vực với tinh thần cởi mở trong đổi mới sáng tạo, cùng chiến lược phát triển bền vững các ngành công nghiệp giá trị cao. Đây cũng là những yếu tố then chốt mang lại sự phát triển ổn định và tăng trưởng dài hạn cho nền kinh tế đất nước.

Sở hữu lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao, cùng việc tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang hình thành một môi trường đầu tư hấp dẫn, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư về chi phí cạnh tranh và tính ổn định lâu dài.

Tính đến ngày 30/4/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dù có tới 1.204 dự án mới được cấp phép, tăng 14,1% về số lượng, nhưng tổng vốn đăng ký của các dự án này lại giảm 23,8% so với cùng kỳ, chỉ đạt 5,59 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là thỏi nam châm hút vốn đăng ký mới với 3,39 tỷ USD (chiếm 60,6%), theo sau là hoạt động kinh doanh bất động sản với 1,51 tỷ USD (chiếm 26,9%).

Xét về đối tác, Singapore dẫn đầu trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án mới, rót 1,6 tỷ USD (chiếm 28,6%), tiếp đến là Trung Quốc với 1,52 tỷ USD (27,1%) và Nhật Bản với 573,2 triệu USD (10,3%).

Bàn về chiến lược chuyển đổi theo hướng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp, ông Huy Nguyễn - Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đồng sáng lập và Chủ tịch tại KardiaChain cho rằng, các nhà sản xuất lớn hiện nay đều đã xây dựng chuỗi cung ứng hoàn toàn tự động và thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực đáp ứng tốt cho cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đang ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo. Việt Nam cũng đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn về công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như Vingroup, Trường Hải, Thành Công… tạo nền tảng cho ngành công nghiệp nội địa, giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, ngành công nghiệp Việt Nam cần tập trung vào một số mũi nhọn then chốt mà trọng tâm hiện nay chính là công nghiệp bán dẫn. Và để có thể trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn của khu vực, Việt Nam cần vượt qua giai đoạn lắp ráp cơ bản, tham gia sâu vào khâu nghiên cứu và thiết kế, đồng thời hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ giá trị gia tăng từ ít nhất 25% trở lên trong toàn bộ quy trình sản xuất bán dẫn.

Ông Kim Fejer, Giám đốc điều hành A.P Moller Capital nhận định, việc tập trung vào các lĩnh vực có giá trị cao không chỉ nâng cao năng lực của ngành công nghiệp Việt Nam, mà còn thúc đẩy chuyển giao tri thức và công nghệ, góp phần tiếp tục đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Song, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, cần có cơ chế ưu đãi đặc thù và vốn đầu tư; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, nhất là hạ tầng công nghệ. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác quốc tế về lĩnh vực bán dẫn với các đối tác lớn; tiếp tục thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhân tài người Việt trên toàn thế giới…” , ông Kim Fejer chia sẻ.

Thanh Tuyết

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-cong-nghiep-chuyen-minh-trong-boi-canh-moi-164079.html
Zalo