Ngành Bảo tàng học có mức học phí thấp, dao động từ 11-15 triệu đồng/năm
Nhiều năm qua, ngành Bảo tàng học được đào tạo tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.
Ngành Bảo tàng học là một lĩnh vực khoa học chuyên nghiên cứu về các nguyên tắc, phương pháp và kỹ thuật trong việc quản lý, bảo tồn, trưng bày và giáo dục công chúng về di sản văn hóa, lịch sử, khoa học và nghệ thuật.
Trong phần giới thiệu của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có nêu, ngành Bảo tàng học đào tạo cử nhân ngành Bảo tàng học có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết toàn diện, chuyên sâu về ngành Bảo tàng học, kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật; có kỹ năng nhận thức liên quan đến phản biện, phân tích, tổng hợp; kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn; có thể làm việc độc lập hoặc theo nhóm, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Những vị trí công tác mà người học ngành Bảo tàng học có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp là di sản viên tại các bảo tàng (công lập và ngoài công lập); ban quản lý di tích cấp tỉnh/thành phố; trung tâm bảo tồn di tích; trung tâm bảo tồn di sản văn hóa; phòng truyền thống các bộ, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc; chuyên viên Cục Di sản văn hóa; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh/thành phố; nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu về văn hóa; giảng viên, giáo viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có chuyên ngành đào tạo liên quan đến di sản văn hóa; nhân viên tại các tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa; hướng dẫn viên du lịch tại các điểm di sản văn hóa.[1]
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều năm qua, ngành Bảo tàng học được đào tạo tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.

Buổi học thực tế của sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, năm 2025, ngành Bảo tàng học tuyển sinh 50 chỉ tiêu. Các phương thức xét tuyển áp dụng cho ngành này bao gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và xét tuyển theo học bạ trung học phổ thông.
Ngành xét tuyển theo 9 tổ hợp gồm: C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí), C03 (Ngữ văn, Toán, Lịch sử), C04 (Ngữ văn, Toán, Địa lí), C14 (Ngữ văn, Toán, Giáo dục kinh tế và pháp luật), C19 (Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật), D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh), D14 (Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh), D15 (Ngữ văn, Địa lí, Tiếng Anh), D66 (Ngữ văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tiếng Anh).
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Bảo tàng học có việc làm đạt 100%, dựa trên kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi công nhận tốt nghiệp.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm của ngành Bảo tàng học, theo Đề án tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Website Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Năm 2024, điểm chuẩn ngành Bảo tàng học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (mã phương thức: 100) dao động từ 25.5 đến 26.5 điểm, tùy từng tổ hợp.

Điểm chuẩn năm 2024 của ngành Bảo tàng học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.
Về học phí, năm học 2024-2025, trường áp dụng mức học phí là 384.000 đồng/01 tín chỉ (tương đương 11.000.000 đồng/năm học), tuân thủ theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu và quản lý học phí.
Tại Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, theo Đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Bảo tàng học có việc làm đạt 83.33%, dựa trên kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi công nhận tốt nghiệp.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm của ngành Bảo tàng học, theo Đề án tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Website Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2024, điểm chuẩn ngành Bảo tàng học theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 23.5 điểm. Các phương thức xét tuyển áp dụng cho ngành này bao gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển theo học bạ trung học phổ thông.
Về học phí, trường áp dụng mức học phí năm học 2024-2025 là 15.000.000 đồng/10 tháng/sinh viên, có tăng theo lộ trình, tuân thủ theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo cập nhật từ lãnh đạo Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2025-2026, ngành Di sản học (mã ngành: 7229047 với 02 chuyên ngành: Di sản và phát triển du lịch, Di sản và Bảo tàng) sẽ thay thế ngành Bảo tàng học đang được giảng dạy tại nhà trường.
Ngành Di sản học nằm trong Quyết định số 1596/QĐ-BGDĐT về danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 7/6/2024.
Trong năm tuyển sinh đầu tiên, trường dự kiến tuyển 60 chỉ tiêu cho chuyên ngành Di sản và phát triển du lịch; 30 chỉ tiêu cho chuyên ngành Di sản và Bảo tàng. Các phương thức xét tuyển áp dụng cho ngành này bao gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển theo học bạ trung học phổ thông.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://huc.edu.vn/c/5402/Nganh-Bao-tang-hoc