Ngân vang tiếng mã la

Giữa núi rừng đại ngàn Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh), âm thanh mã la do đội mã la của xã vang lên nghe trầm bổng, sâu lắng, dạt dào đầy cảm xúc, có khi lại rộn ràng vang xa qua các nương rẫy. Những thanh âm ấy không chỉ là biểu tượng văn hóa của đồng bào Raglai nơi đây, mà còn là nhịp đập tinh thần của cả cộng đồng trong đời sống hôm nay.

Tiếng mã la - linh hồn của cộng đồng Raglai

Một ngày giữa tuần, theo chân chị Cao Thị Lem - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Khánh Trung, chúng tôi đến nhà bà Cao Thị Tiền (69 tuổi, thôn Suối Cá) - nơi tập luyện của đội mã la của xã. Ngay đầu ngõ, tiếng mã la trầm bổng đã ngân vang. Trong sân nhà rộng gần 30m2, 5 thành viên của đội đang say sưa tập luyện. Trong trang phục truyền thống của dân tộc, 1 người múa, 4 người vừa bước theo điệu nhạc, đôi bàn tay uyển chuyển di chuyển liên tục trên chiếc mã la tạo nên những âm thanh khác nhau, từ bài cho lễ cúng bến nước, cầu an, mừng đám cưới… Những âm thanh lúc vui tươi, lúc trầm buồn vang vọng, đan xen vào nhau như đưa người nghe về lại không gian hùng vĩ, núi non trùng điệp của buôn làng ngày xưa; dẫn dắt người nghe chứng kiến lễ hội của buôn làng, nơi cả làng quây quần bên đống lửa, hát ca nhảy múa, uống rượu cần mừng được mùa lúa…

Em Cao Thị Tuyết Mai và Cao Nguyễn Bảo Uyên rất hào hứng khi được tập đánh mã la.

Em Cao Thị Tuyết Mai và Cao Nguyễn Bảo Uyên rất hào hứng khi được tập đánh mã la.

Bà Cao Thị Tiền cho biết, đội đang tập luyện để chuẩn bị giao lưu văn nghệ với xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa). Ngồi mân mê chiếc mã la, bà Tiền chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở làng, từ nhỏ bà đã sống ở núi rừng, quen với tiếng mã la nên mới 10 tuổi, bà đã biết đánh các bài mã la đơn giản, đến 15 tuổi bà đánh thành thạo tất cả các bài. Hồi đó, ai trong buôn làng cũng biết đánh mã la, bởi tiếng mã la không chỉ xuất hiện trong các lễ hội lớn của cộng đồng như: Lễ mừng lúa mới, cầu mùa, cầu an, cầu sức khỏe…, mà còn xuất hiện trong ngày vui của các gia đình như: đám cưới, mừng đầy tháng... Sau đó, nét văn hóa này dần biến mất trong thời gian dài, thiếu mã la, các lễ hội dần mất đi sức hút. 3 năm gần đây, xã phục hồi lại các hoạt động, bà vui lắm vì lại được sống trong tiếng mã la của buôn làng.

Bà Cao Thị Chín (60 tuổi, thôn Suối Cá), thành viên của đội, biết đánh các bài mã la khi 15 tuổi. Khi nhắc về mã la, bà Chín hồ hởi: “Hồi nhỏ, mỗi khi làng có lễ hội, tôi thường đến xem các bậc cao niên, già làng đánh mã la. Nhìn các cao niên trong làng bước đi vững chắc, đôi tay uyển chuyển, mang đến những âm thanh của núi rừng, thác nước, của muông thú, tôi ước mình được như vậy. Bây giờ, mơ ước của tôi đã thành hiện thực. Tôi và các thành viên không những được biểu diễn trong các lễ hội của buôn làng mà còn đại diện xã đi biểu diễn ở huyện, tỉnh”.

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Cách đó không xa, 2 chị em bà Cao Thị Kem và Cao Thị Đào - thành viên của đội cũng say sưa chỉ dạy cho một số thanh niên, học sinh của xã về ý nghĩa và cách đánh của từng mã la. Đánh chậm rãi để con cháu hình dung từng nhịp, từng bài, bà Kem tỉ mỉ giải thích, bộ mã la phải từ 3 chiếc trở lên mới được coi là nhạc cụ, bởi theo quan niệm của đồng bào, một bộ 3 cái mới đủ các thành viên trong gia đình là mẹ - cha - con. Trong bộ mã la, mỗi chiếc có một vị trí, vai trò khác nhau. Một điều đặc biệt khác trong cách thức sử dụng mã la của người Raglai là khi diễn tấu không dùng dùi mà phải đánh bằng tay. Chính vì vậy, âm thanh của mã la như nhịp tim, hơi thở của người đánh… Bạn Pi Năng Thị Rề En (thôn Suối Cá) cho biết: “Là thành viên đội múa của xã, tôi cũng muốn tìm hiểu nên tham gia học lớp đánh mã la. Càng học, tôi càng thấy cuốn hút. Nhìn đơn giản nhưng để đánh được mã la rất khó, vì đánh hoàn toàn bằng tay nên người đánh phải nhớ nhịp, vừa kết hợp nhịp nhàng của 2 tay mới ra đúng âm thanh. Tôi đang cố gắng học để hiểu về văn hóa của dân tộc, sau này còn truyền lại cho con, cháu để lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình”.

Chưa đến tuổi tham gia lớp học nhưng cứ đến giờ tập luyện của đội mã la, 3 em Cao Thị Tuyết Mai, Cao Thị Kim Phượng và Cao Nguyễn Bảo Uyên - học sinh lớp 4, Trường Tiểu học xã Khánh Trung cũng có mặt để xem các ông, bà, anh chị tập luyện. Em Cao Thị Tuyết Mai khoe: “Có hôm, em được các bà chỉ dạy vài điệu của bài Mừng lúa mới. Em rất thích nghe tiếng mã la, khi nào lớn, em sẽ xin ba mẹ cho tham gia lớp học”.

Hiện nay, đội mã la của xã có 15 thành viên là những già làng, trưởng bản, những người cao tuổi. Vào thứ Năm hằng tuần, đội tổ chức sinh hoạt. Tại đây, ngoài tập luyện để đi biểu diễn, các thành viên còn truyền dạy cách đánh mã la cho hơn 10 đoàn viên, thanh niên của xã. Sau gần 3 năm thành lập, đội đã tham gia biểu diễn nhiều trong các lễ hội do huyện, tỉnh tổ chức và các hoạt động tại xã, thôn, xóm.

Tiếp tục bảo tồn, phát huy

Trên địa bàn xã Khánh Trung có 10 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm 80%. Trong đời sống tinh thần của người Raglai, tiếng mã la tượng trưng cho người dẫn đường, lời mời gọi, thỉnh cầu ông bà, tổ tiên... về chung vui với con cháu. Nhạc cụ mã la luôn xuất hiện trong tất cả các lễ hội quan trọng của cộng đồng người Raglai. Thế nhưng, với tác động của đời sống hiện đại, qua thời gian, nét văn hóa này dần mai một, thế hệ trẻ không mặn mà với tiếng mã la. Chưa kể, lớp người thành thạo nhạc cụ mã la đã lớn tuổi, người thì khuất núi. Những người biết chơi mã la ngày càng ít và chơi theo kiểu tự phát.

Màn trình diễn hòa tấu mã la của các thành viên Câu lạc bộ Sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Raglai thôn Suối Cá (xã Khánh Trung). Ảnh: NHÂN TÂM

Màn trình diễn hòa tấu mã la của các thành viên Câu lạc bộ Sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Raglai thôn Suối Cá (xã Khánh Trung). Ảnh: NHÂN TÂM

Từ thực trạng đó, năm 2023, thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Khánh Trung tập trung đẩy mạnh khôi phục văn hóa truyền thống của người dân tộc Raglai. Theo đó, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, xã đã thành lập đội văn nghệ truyền thống thôn Suối Cá; Câu lạc bộ Sinh hoạt văn hóa dân gian Raglai, trong đó nòng cốt là đội mã la. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các hội, đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên mở các lớp tập huấn giới thiệu về nét văn hóa của người Raglai, mã la, lễ tạ ơn, mừng lúa mới, cưới hỏi… để thế hệ trẻ biết được nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Theo ông Phan Đình Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Trung, để tiếp tục phát huy và bảo tồn văn hóa dân tộc Raglai, xã đã hoàn thiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng, Khánh Trung là xã duy nhất của huyện Khánh Vĩnh xây dựng mô hình này. Trong mô hình, xã tổ chức các chương trình biểu diễn phục vụ cho du khách như: Phục dựng lễ hội tạ ơn; đánh mã la; sưu tầm những câu chuyện dân gian của người Raglai kể cho du khách… Thông qua đó, nhằm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Raglai. Xã đang hoàn thiện hồ sơ phát triển du lịch cộng đồng, kiến nghị huyện quan tâm để xã sớm triển khai. Ngoài ra, hỗ trợ tập huấn về cách đánh đàn đá cho địa phương để làm phong phú thêm nét văn hóa, bởi hiện nay xã được tỉnh, huyện hỗ trợ bộ đàn đá nhưng không có người biết sử dụng. Đồng thời, hỗ trợ thêm kinh phí cho xã đẩy mạnh tổ chức các lớp tuyên truyền về giá trị truyền thống của đồng bào Raglai.

Chia tay với các thành viên của đội, chúng tôi ra về mang theo âm thanh ngân vang của những tiếng mã la như một lời nhắc nhở về giá trị trường tồn của bản sắc văn hóa dân tộc giữa nhịp sống hiện đại.

LY VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202505/ngan-vang-tieng-ma-la-3bc4ae4/
Zalo