Ngân vang dòng Vàm Cỏ
Xế chiều bên dòng Vàm Cỏ, nắng nhạt dần trải trên mặt nước, len lỏi bên những khóm lục bình lững lờ trôi theo dòng phù sa. Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, hai con sông chảy vào đất Long An, hòa mình tại huyện Tân Trụ để tạo thành sông Vàm Cỏ - nguồn nước cả không chỉ nuôi dưỡng ruộng vườn, phục vụ sinh hoạt mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa bản địa lâu đời.

Kênh đào Thủy Trầm ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An lấy nước từ hệ thống sông Vàm Cỏ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và giao thương.
Từ kho tàng di sản địa lý, lịch sử, con người đến những kế hoạch phát triển du lịch, lưu vực sông Vàm Cỏ tạo nên một vùng đất phì nhiêu rộng lớn đậm chất Nam Bộ, nơi hồn xưa hòa quyện nhịp sống mới.
Từ ngã ba sông Vàm Cỏ (huyện Tân Trụ) - sông mẹ xuôi ra biển qua cửa Soài Rạp. Trước đó, Vàm Cỏ Đông bắt đầu từ đồng bằng trũng thấp ở Campuchia, vào Việt Nam qua xã Biên Giới, huyện Châu Thành (Tây Ninh), dài hơn 220 km, đi qua Gò Dầu, Trảng Bàng, rồi về Long An qua Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước; trong khi Vàm Cỏ Tây, dài 235 km, bắt nguồn từ phân lưu sông Mekong qua tỉnh Prey Veng (Campuchia), vào Việt Nam qua rạch Long Khốt, huyện Vĩnh Hưng, với lòng sông rộng dần từ 120 m đến 330 m. Nước sông mang sắc vàng đục của phù sa, cung cấp nước ngọt và tạo mạng lưới kênh rạch trù phú. Bởi vậy, điểm hợp lưu là sông Vàm Cỏ trở thành nơi giao thoa đặc biệt, vừa nuôi dưỡng đồng ruộng, vừa gắn kết đời sống tinh thần của người dân đôi bờ.
Văn hóa bên hai dòng sông thấm đẫm hồn Nam Bộ, như bức tranh sống động dọc dài theo dòng nước trôi. Trên bờ Vàm Cỏ Đông, tại Ấp 3, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, anh Nguyễn Tấn Núi, nhiều đời làm nghề đan chiếu, đang vội vã che chắn hàng dài lát vừa thu hoạch, chờ phơi khô trước cơn mưa rào sắp tới. Cây lát trồng tốt nhất trên đất ven sông, thu hoạch ba tháng/lần, mỗi lần khoảng hai tấn, dệt thành 90 đôi chiếu, mang lại hơn hai triệu đồng nếu giá ổn định ở mức 23.000 đồng/đôi. “Chúng tôi làm chiếu thành phẩm cho nên lãi không cao. Mà cũng cực lắm, mùa mưa cây ít chồi, mùa khô phải bơm nước chăm bẵm thì lát mới cho thu hoạch tốt…”, anh Núi nói. Phơi lát dưới nắng để tạo ra nguyên liệu tốt nhất làm chiếu, bởi thế mà cả gia đình người nông dân này phải “vừa ăn cơm, vừa ngó lên trời” vì để lát dính mưa thì dệt chiếu… mất giá.
Bên hai dòng Vàm Cỏ, lịch sử còn là những trang sử hào hùng, khắc sâu vào ký ức vùng đất Long An “trung dũng, kiên cường”. Ngay tại điểm hợp lưu Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có Miếu Ông Bừng Quỳ được xây dựng từ năm 1705, dưới triều Chúa Nguyễn, là một trong những ngôi miếu cổ nhất Nam Bộ. Miếu thờ ông Mai Công Hương, người hy sinh khi hỗ trợ danh tướng Nguyễn Cửu Vân dẹp loạn Cao Miên. Dẫn quân chở lương thực từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, ông bị liên quân Xiêm-Cao Miên chặn đánh. Thất thế, Mai Công Hương ra lệnh đục chìm thuyền và tự vẫn để lương thực không rơi vào tay giặc.
Nhắc nhở về giai thoại người anh hùng này, người dân địa phương vẫn kể hoài về “sóng thần” - hiện tượng sóng lớn do dòng chảy đặc biệt nơi đây tạo ra - như một tích sử đề cao biểu tượng về sự hy sinh thân mình vì Tổ quốc. Hơn 300 năm qua, Miếu Ông Bừng Quỳ vẫn là chốn tâm linh thiêng liêng, nơi người dân tìm về cội nguồn.
Xa hơn về phía Vàm Cỏ Đông, chiến công của Nguyễn Trung Trực trong trận Nhựt Tảo năm 1861 vẫn vang vọng. Sinh ra tại Bến Lức, lớn lên bên dòng sông với nghề chài lưới, ông lãnh đạo nghĩa quân đốt cháy tàu chiến thực dân Pháp tại vàm Nhựt Tảo. Chiến thắng này, cùng trận đánh đồn Kiên Giang năm 1868, là minh chứng cho tinh thần bất khuất của người dân Nam Bộ. Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Nhựt Tảo, nay là di tích quốc gia, mỗi năm vào ngày 12 tháng 9 âm lịch lại rộn ràng lễ hội, thu hút hàng chục nghìn người từ khắp nơi đổ về.
Làm chủ dòng chảy, phát triển du lịch
Nhận thức giá trị to lớn của nguồn nước Vàm Cỏ, qua nhiều đời, con người học cách vận dụng khoa học-kỹ thuật để làm chủ dòng chảy, phát huy lợi thế và chống chọi khó khăn tự nhiên. Từ sông Vàm Cỏ, rất nhiều hệ thống kênh rạch, các công trình điều tiết để làm chủ nguồn nước sản xuất và sinh hoạt được xây dựng. Âu tàu Rạch Chanh (thành phố Tân An) là công trình bước ngoặt trong việc bảo vệ nông nghiệp vùng đất Long An, Tiền Giang cũng như đời sống dân sinh.
Trước đây, cứ đến mùa khô, nước mặn xâm nhập sâu trên sông Vàm Cỏ Tây tràn vào đồng ruộng nhiễm mặn gây ảnh hưởng sản xuất và nước sinh hoạt, mùa lũ về thì làm ngập đồng ruộng, nhà cửa. Nhưng từ khi âu tàu được đưa vào hoạt động, nước mặn bị chặn lại, nước ngọt được lưu giữ.
Chú Tư, người trông coi Miếu Ông Bừng Quý ở ngã ba sông Vàm Cỏ kể: “Giờ lúa xanh quanh năm, không lo mặn, không sợ ngập nhờ các công trình thủy lợi. Nhà tôi nhiều đời sống tốt nhờ ruộng lúa thẳng cánh cò bay, con cái thành đạt. Chưa kể, làm chủ dòng nước cũng góp phần bảo vệ các di sản lịch sử ven sông”. Âu tàu Rạch Chanh hiện góp phần bảo vệ khoảng 10.000 ha lúa đông xuân ở Long An và hàng chục nghìn héc-ta nông sản ở vùng lân cận, giúp mùa màng bội thu.
Nông nghiệp phát triển, du lịch cũng hưởng lợi bởi vẻ đẹp tự nhiên trù phú hai bên dòng Vàm Cỏ. Đời sống địa phương gắn liền với sông nước tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Đồng chí Nguyễn Tấn Quốc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết: “Chúng tôi nỗ lực phát huy hệ thống giá trị của hai dòng Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây thành động lực phát triển du lịch. Các tour đường sông vừa góp phần quảng bá di sản, vừa khuyến khích người dân trực tiếp khai thác du lịch bằng chính văn hóa bản địa, từ đó tăng thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp”.
Long An đang từng bước biến các giá trị gắn với Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây thành động lực phát triển du lịch hiệu quả, dựa trên kho tàng di sản truyền thống, địa lý sẵn có. Các tour đường sông trên Vàm Cỏ Đông dần hình thành, nối liền Miếu Ông Bừng Quỳ; Đền Nguyễn Trung Trực và quê hương ông tại xã Thanh Đức, huyện Bến Lức, cách khu lễ hội khoảng 10 km. Di tích cấp tỉnh tại Thanh Đức, nơi ông sinh ra, đang được quy hoạch để tái hiện không gian sống thời thơ ấu của Nguyễn Trung Trực. Và trên những chuyến thuyền ngược xuôi dòng nước, du khách được lắng nghe nghệ sĩ địa phương ngân câu đờn nổi tiếng trong bài “Vàm Cỏ Đông” của Trương Quang Lục: “Dòng Vàm Cỏ thắm tình quê hương”. Lời ca ấy khơi dậy tình yêu miền quê sông nước, cũng là chất xúc tác đưa khách đường xa cảm nhận rõ hơn hương vị phù sa trong nắng gió Nam Bộ.
Câu chuyện về nghề đan chiếu hay các làng nghề truyền thống khác cũng là chất liệu sống động cho những hành trình khám phá đời sống ven sông. Nghề dệt chiếu của người dân Tân Trụ với chu kỳ thu hoạch 3-5 lần mỗi năm, cùng những câu chuyện kể về cây lát có thể trở thành một phần nội dung hấp dẫn mà du khách được nghe, được trực tiếp trải nghiệm. Từ Vàm Cỏ Đông sang Vàm Cỏ Tây, với không gian yên bình và cảnh quan xanh mát, Long An định hướng xây dựng các khu nghỉ dưỡng ven sông, kết hợp bến tàu và hoạt động văn hóa sông nước để tạo thành vòng tuần hoàn du lịch khép kín phục vụ khách du lịch.
Dòng Vàm Cỏ hôm nay vẫn cuộn chảy, mang theo cả những hơi thở của lịch sử - từ phù sa trù phú, làng nghề bền bỉ, đến những chiến công vang dội một thời. Đã 50 năm từ ngày “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh” trong tháng 4 lịch sử năm 1975, Long An ngày nay đang nỗ lực đạt nhiều thành tựu kinh tế-xã hội trên hành trình mới.
Những chuyến thuyền chở khách du lịch, các khu nghỉ dưỡng bên đôi bờ Vàm Cỏ ngày qua ngày, góp phần biến vùng đất cách mạng kiên trung trở thành điểm sáng phát triển trên dòng chảy Nam Bộ hiện đại.