Ngân sách cấp cho Quỹ Nafosted và tài trợ của Quỹ cho đề tài NCKH ra sao?

Giai đoạn 2009-2019, có 2.859 đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kĩ thuật được Quỹ tài trợ, với tổng kinh phí là 2.115 tỷ đồng.

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22/10/2003 của Chính phủ.

Quỹ bắt đầu triển khai các hoạt động tài trợ, hỗ trợ từ năm 2009 với chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên. Sau đó, hoạt động của Quỹ từng bước được mở rộng về lĩnh vực, đối tượng và phương thức tài trợ, hỗ trợ.

Quỹ Nafosted vận hành ra sao?

Đến nay, Quỹ thực hiện tài trợ cho các đề tài nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên - kỹ thuật, khoa học xã hội - nhân văn, tài trợ các nhiệm vụ đột xuất, tiềm năng; Hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia như hỗ trợ nhà khoa học dự hội nghị, hội thảo quốc tế; thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài; tổ chức hội thảo quốc tế; đồng tài trợ với các quỹ quốc tế; tài trợ cho nhóm nghiên cứu mạnh; tài trợ cho postdoc,...

Bên cạnh đó, Quỹ còn thực hiện chức năng cho vay, bảo lãnh vốn vay ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; Cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Theo số liệu tổng hợp của Quỹ Nafosted, tính đến năm 2023, đã có khoảng 300 tổ chức chủ trì, hơn 14.000 lượt nhà khoa học và hơn 3.000 chủ nhiệm đề tài được Quỹ tài trợ. Hơn 3.000 tiến sĩ và hơn 7.000 thạc sĩ được đào tạo thông qua đề tài do Quỹ tài trợ.

Hoạt động của Quỹ được đánh giá là đã có vai trò tích cực, góp tỷ trọng lớn đối với các chỉ số quan trọng về năng lực khoa học và công nghệ quốc gia như năng suất khoa học và công nghệ, công bố khoa học, nguồn lực khoa học và công nghệ. [1]

Theo quy định tại Điều 12 Điều lệ Quỹ ban hành kèm theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP (của Chính phủ về việc thành lập Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ quốc gia), "Quỹ có vốn được cấp năm đầu khi thành lập là 200 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học.

Quỹ Nafosted hoạt động theo mô hình quỹ khoa học quốc gia, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng trích từ ngân sách sự nghiệp Khoa học và Công nghệ, và được bổ sung hằng năm để bảo đảm mức vốn ít nhất 500 tỷ đồng, theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 23/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Quỹ, ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ giai đoạn 2009-2012 có xu thế tăng, giai đoạn 2013 đến nay duy trì trung bình ở mức trên 270 tỷ đồng. Những năm gần đây, ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ có xu hướng giảm.

Theo Quyết định số 212/QĐ-BKHCN ngày 24/2/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 cho Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia vào khoảng 293 tỷ đồng (chính xác là 292.686 triệu đồng).

Còn theo số liệu của Quỹ, năm 2023, thực tế ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ là khoảng 252 tỷ đồng. [1]

 Số liệu từ Báo cáo thường niên năm 2023 của Quỹ. Biểu đồ: Doãn Nhàn

Số liệu từ Báo cáo thường niên năm 2023 của Quỹ. Biểu đồ: Doãn Nhàn

Trong đó, hiện nay, các chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản (trong đó nhiều nhất là lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật) là chương trình chiếm phần lớn số lượng và kinh phí tài trợ của Quỹ.

Cụ thể, giai đoạn 2008-2020, kinh phí tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản chiếm khoảng 87%, nghiên cứu hướng ứng dụng chỉ chiếm khoảng 9%, và kinh phí tài trợ cho hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia chiếm khoảng 2%.

Giai đoạn 2021-2025, kinh phí dành cho nghiên cứu hướng ứng dụng và hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia được phân bổ nhiều hơn, dự kiến lần lượt là 25% và 10%. Khoảng 65% kinh phí dành cho hoạt động hỗ trợ các đề tài nghiên cứu cơ bản.

 Cơ cấu phân bổ kinh phí của Quỹ Nafosted trong từng giai đoạn. Số liệu từ Báo cáo thường niên năm 2023 của Quỹ

Cơ cấu phân bổ kinh phí của Quỹ Nafosted trong từng giai đoạn. Số liệu từ Báo cáo thường niên năm 2023 của Quỹ

Năm 2024, dự kiến kinh phí tài trợ cho đề tài nghiên cứu cơ bản là bao nhiêu?

Mới đây, theo thông báo từ Quỹ, đối với các đề tài nghiên cứu cơ bản lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2024, dự kiến kinh phí từ 2,5 tỷ đồng đồng – 3,5 tỷ đồng/đề tài(đối với các đề tài lý thuyết)4 tỷ đồng –5 tỷ đồng/đề tài (đối với các đề tài thực nghiệm). [2]

(Mức kinh phí xét duyệt tương ứng với nội dung trong thuyết minh và sản phẩm đăng ký, phù hợp với định mức công lao động khoa học quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 02/2023/TT-BKHCN ngày 08/05/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).

Đối với chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn năm 2024, kinh phí dự kiến từ 1,5 tỷ đồng – 2,5 tỷ đồng/đề tài. [3]

Mức kinh phí dự kiến tài trợ đối với 01 đề tài nghiên cứu ứng dụng xét chọn năm 2024, từ 2 tỷ đồng – 3 tỷ đồng. [4]

Trong khi đó, giai đoạn 2009-2019, có 2.859 đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kĩ thuật được tài trợ, với tổng kinh phí là 2.115 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi đề tài nghiên cứu cơ bản lĩnh vực khoa học tự nhiên và kĩ thuật được tài trợ khoảng 740 triệu đồng.

487 đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn, tổng kinh phí 367 tỷ đồng, tương đương mỗi đề tài được tài trợ khoảng 754 triệu đồng.

83 đề tài nghiên cứu hướng ứng dụng, đột xuất, tiềm năng, tổng kinh phí 221 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,66 tỷ đồng mỗi đề tài.

Như vậy, kinh phí tài trợ cho 1 đề tài năm 2024 đã có sự tăng lên đáng kể so với giai đoạn 2009 - 2019.

 Quy mô tài trợ (Kinh phí được phê duyệt, đề tài được tài trợ), giai đoạn 2009-2019. Nguồn: Biểu đồ từ thông tin hoạt động năm 2020 của Quỹ.

Quy mô tài trợ (Kinh phí được phê duyệt, đề tài được tài trợ), giai đoạn 2009-2019. Nguồn: Biểu đồ từ thông tin hoạt động năm 2020 của Quỹ.

Về nguyên tắc hoạt động, Quỹ thực hiện xem xét tài trợ, hỗ trợ công khai, dân chủ, bình đẳng. Quỹ thực hiện việc đánh giá xét chọn đề tài thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ.

Trong đó, công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín (theo Danh mục tạp chí do Quỹ ban hành) là một trong những tiêu chí “cứng”, đóng vai trò là tấm “lưới lọc” ban đầu trong quá trình đánh giá xét chọn và đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu. Tiếp đến, các thành viên Hội đồng khoa học cùng các chuyên gia phản biện độc lập sẽ tiếp tục nhận xét, đánh giá các đề tài.

Quy trình triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ

Về quy trình triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ, trước tiên, các nhà khoa học nộp hồ sơ đăng ký (gồm đơn đăng ký, thuyết minh đề tài, lý lịch khoa học của chủ nhiệm đề tài và từng thành viên nhóm nghiên cứu,...).

Hồ sơ đăng ký sẽ được Quỹ tổng hợp, rà soát tính hợp lệ, sau đó được chuyển tới chuyên gia cùng chuyên ngành để nghiên cứu đánh giá phản biện. Hội đồng khoa học đánh giá các hồ sơ đề nghị tài trợ. Quỹ tổng hợp kết quả đánh giá xét chọn đề tài, nhận xét về sự phù hợp của quá trình đánh giá và trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định.

Sau khi có quyết định, Quỹ công bố danh mục các đề tài được tài trợ trên Cổng thông tin điện tử của Quỹ. Tiếp đó, Cơ quan điều hành Quỹ tổ chức thẩm định nội dung thuyết minh đề cương và dự toán kinh phí của đề tài theo quy định của Hội đồng quản lý Quỹ.

Căn cứ kết quả thẩm định, Cơ quan Điều hành Quỹ trình Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt kinh phí của các đề tài, đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân được nhận tài trợ hoàn tất các thủ tục cần thiết.

Sau đó, chủ nhiệm đề tài và tổ chức chủ trì trao đổi, ký hợp đồng khoa học và công nghệ với Quỹ theo kinh phí đã được Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt.

Căn cứ tiến độ, nội dung nghiên cứu ghi trong hợp đồng, chủ nhiệm đề tài và tổ chức chủ trì lập Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện đề tài, tình hình sử dụng kinh phí của đề tài theo quy định. Trên cơ sở đó, Quỹ tổ chức đánh giá định kỳ về tiến độ, kết quả thực hiện và tình hình sử dụng kinh phí của đề tài.

Kết quả đánh giá định kỳ và kiểm tra thực tế là căn cứ để quyết định việc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Kinh phí tài trợ được quyết toán một lần sau khi đề tài nghiệm thu đạt. Hợp đồng được thanh lý khi chủ nhiệm đề tài hoàn thành các thủ tục liên quan đến công nhận kết quả đề tài và các thủ tục tài chính.

Tài liệu tham khảo:

Số liệu thống kê từ Báo cáo thường niên năm 2023, Thông tin hoạt động năm 2020 và Kỷ yếu hoạt động giai đoạn 2008 - 2018 của Quỹ Nafosted.

[1]: https://nafosted.gov.vn/9195-2/#1720163993514-da6e5edf-be37

[2]: https://nafosted.gov.vn/thong-bao-ve-chuong-trinh-tai-tro-nghien-cuu-co-ban-trong-khoa-hoc-tu-nhien-va-ky-thuat-nam-2024/

[3]: https://nafosted.gov.vn/thong-bao-ve-chuong-trinh-tai-tro-nghien-cuu-co-ban-trong-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-nam-2024/

[4]: https://nafosted.gov.vn/thong-bao-tiep-nhan-ho-so-dang-ky-de-tai-nghien-cuu-ung-dung-nam-2024/

Minh Chi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ngan-sach-cap-cho-quy-nafosted-va-tai-tro-cua-quy-cho-de-tai-nckh-ra-sao-post245911.gd
Zalo