Ngăn 'quái xế' tuổi vị thành niên từ đâu?
Để ngăn chặn việc thanh thiếu niên đua xe, 'đi bão', chuyên gia cho rằng, việc dạy dỗ không bằng rèn một đứa trẻ biết đúng - sai, trung thực và sống có trách nhiệm.
Dư luận chưa hết bàng hoàng, ám ảnh về vụ nhóm “quái xế” tông chết cô gái dừng đèn đỏ ở nút giao Trần Hưng Đạo – Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đáng nói, đa số trong nhóm đối tượng này có độ tuổi 16-17 tuổi, chưa đủ điều kiện cầm lái xe máy dung tích trên 50 cm3.
Gia tăng đối tượng vi phạm ở tuổi vị thành niên
Thực tế, không ít các vụ vi phạm pháp luật xảy ra gần đây, người vi phạm là vị thành niên. Số vụ vi phạm do các đối tượng này thực hiện ngày càng tăng, bởi có rất nhiều phụ huynh giao xe cho con em điều khiển khi đang ở lứa tuổi học sinh.
Về vấn nạn này, ông Lê Kim Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về thực trạng bố mẹ giao xe máy cho trẻ chưa đủ điều kiện tham gia giao thông.
Tuy nhiên, căn cứ từ thực tiễn và kết quả kiểm tra cho thấy số lượng không nhỏ các em học sinh sử dụng phương tiện tham gia giao thông chưa đủ điều kiện, việc này xảy ra ở tất cả tỉnh thành trên cả nước. Các em có thể chưa đủ tuổi sử dụng phương tiện cho phép hoặc chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển phương tiện.
Cũng theo ông Thành, thống kê trên cả nước có xấp xỉ 25 triệu học sinh, sinh viên. Bên cạnh các em đủ điều kiện tham gia giao thông, còn lượng lớn trường hợp phải có người đưa đón. Như vậy, tính thêm cả những người đưa đón, con số này ước tính sẽ khoảng 40 triệu người, tương đương khoảng 40% dân số nước ta.
“Nếu tất cả nhóm này, đặc biệt là những người có trách nhiệm đưa đón, giám hộ trẻ cùng nhau chung tay xây dựng văn hóa giao thông an toàn, tuân thủ các quy định pháp luật, tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và lứa tuổi học sinh, sinh viên được nâng cao đáng kể. Qua đó giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, hạn chế thấp nhất những mất mát đau thương”, ông Thành nhấn mạnh.
Lưu ý giai đoạn vàng giáo dục trẻ
Nhìn nhận sau vụ việc nhóm "quái xế" đâm chết người mới xảy ra tại Hà Nội, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên Nguyễn Đình Sơn – Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội cho rằng, đằng sau những hành động thiếu suy nghĩ của thanh thiếu niên là sự thiếu trách nhiệm của người lớn.
Theo ông Sơn, việc dạy dỗ không khó bằng việc rèn một đứa trẻ. Giai đoạn vàng là ở độ tuổi từ cuối bậc tiểu học tới năm lớp 7, 8. Như vậy, trong vòng 5 năm này, đứa trẻ cần được dạy và rèn cốt lõi về đạo đức, biết đúng – sai, trung thực và sống có trách nhiệm.
Về góc độ tâm lý, giai đoạn nổi loạn của một đứa trẻ thường ở cuối năm lớp 8 tới lớp 10. Ở giai đoạn này, các em thích thể hiện bản thân, đam mê tốc độ và chất kích thích. Nếu gia đình không quan tâm sẽ dẫn tới hậu quả không mong muốn.
“Nhiều cha mẹ đổ lỗi cho việc kiếm tiền, bận bịu, không dành nhiều thời gian cho con cái. Trong khi đó, cha mẹ lại không hiểu tâm lý đặc thù của từng giai đoạn của một đứa trẻ, dẫn tới cách dạy không hợp lý. Lõi của trí tuệ và đạo đức là rèn dạy từ độ tuổi và chia nhỏ theo từng khối học. Muốn đứa trẻ trở thành tài sản hay là tiêu sản thì trách nhiệm thuộc về người lớn”, ông Sơn phân tích.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ở giai đoạn vị thành niên, các bạn trẻ bắt đầu mở rộng mối quan hệ xã hội. Nếu cha mẹ không quan tâm định hướng, con cái dễ bị lôi kéo vào những nhóm bạn xấu, tiêm nhiễm hành vi lệch chuẩn.
Bên cạnh việc giáo dục đại trà, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, nhà trường cần có chương trình can thiệp chuyên biệt dành cho những học sinh có nguy cơ cao, dễ bị lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật như "đi bão". Nhóm học sinh này cần được sàng lọc, phát hiện sớm và có chương trình giáo dục riêng. Thậm chí, nhà trường cần có những cam kết với các em để hạn chế hệ lụy xấu.
Để ngăn chặn tình trạng trên, PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất áp dụng kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới với hình thức "phạt cha mẹ đi học lại kỹ năng để nuôi dạy con". Hình phạt này không chỉ giúp cha mẹ nâng cao nhận thức, kỹ năng giáo dục con cái mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm trong việc quản lý, định hướng con em mình.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, 9 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 17.836 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.114 người, bị thương 13.385 người, tăng 1.506 vụ (+9,22%) so với cùng kỳ.
Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em xảy ra 1.957 vụ làm chết 783 người, bị thương 2.018 người, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 176 vụ (+10,95%).