Ngăn ngừa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng hóa xuất nhập khẩu

Tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Điều này đã tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước, gây tác hại cho nền kinh tế, làm thất thu ngân sách nhà nước và tác động xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Một lô hàng vi phạm sở hữu trí tuệ do Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện. Ảnh: Lê Thu.

Một lô hàng vi phạm sở hữu trí tuệ do Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện. Ảnh: Lê Thu.

Ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng

Hoạt động nhập lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường có tổ chức rất chặt chẽ, bí mật, như một vòng tròn khép kín từ đối tượng cung ứng đến người tiêu dùng. Phương thức thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

Doanh nghiệp bị xâm phạm uy tín, thương hiệu bởi hàng giả

Trung bình mỗi năm, công ty chúng tôi phối hợp với các lực lượng hải quan, quản lý thị trường, công an xử lý khoảng 900 vụ vi phạm. Cùng với các thương hiệu khác, hoạt động sản xuất, việc kinh doanh hàng giả của các đối tượng sẽ gây ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của thương hiệu, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm chính gốc. Ông Phạm Đức Thắng - Giám đốc Công ty Luật Thắng Phạm và cộng sự

Hàng hóa nhập lậu từ bên kia biên giới được tổ chức theo đường dây, hoạt động trên nhiều địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu, thuê người địa phương mang vác theo chính sách cư dân biên giới, hoặc chờ cơ hội về thời tiết, đêm tối, đặc điểm địa hình, sử dụng phương tiện phù hợp vận chuyển hàng hóa qua sông, suối, đường mòn, lối mở. Hoạt động này vẫn còn diễn ra tại một số cửa khẩu biên giới các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ, mặt hàng chủ yếu là thuốc lá, mỹ phẩm, rượu ngoại, thời trang, thực phẩm chức năng.

Tại khu vực cửa khẩu, cảng biển, các đối tượng đã trà trộn hàng giả với hàng hóa chính ngạch đưa vào nội địa với số lượng lớn, đa dạng các nhóm hàng, chủ yếu là thời trang (quần áo, túi ví, giầy dép, thắt lưng, trang sức), hàng gia dụng, mỹ phẩm, sản phẩm vật tư nông nghiệp, vật tư ngành xây dựng, bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm chức năng, linh phụ kiện điện tử, điện thoại, linh kiện xe gắn máy…

Các vi phạm phổ biến như hàng kém chất lượng, không có công bố hợp quy, sai quy định về nhãn mác, giả mạo xuất xứ… thường xảy ra tại các địa bàn trọng điểm như Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh (cửa khẩu Cầu Treo), Quảng Trị (cửa khẩu Lao Bảo), Quảng Bình (cửa khẩu Cha Lo) và Đà Nẵng, các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Ninh, Bình Phước, địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Ở tuyến hàng không, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh quốc tế phát triển rất nhanh chóng. Số lượng gói, kiện lên đến hàng trăm nghìn mỗi ngày, nhất là các loại hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như: thuốc lá, rượu, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, mỹ phẩm, đông dược; các mặt hàng thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép, túi ví, valy, đồng hồ đeo tay; các mặt hàng bách hóa, điện, điện tử gia dụng, máy móc thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Đáng chú ý, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hiện được công khai trên các website thương mại điện tử.

Trong 1 năm trở lại đây, ngành Hải quan đã đấu tranh, bắt giữ, xử lý 60 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả xuất xứ. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 32,686 tỷ đồng. Nhiều nhãn hiệu nổi tiếng bị giả mạo như: LV, Gucci, Nike, Chanel, Adidas, Hermes,…

Kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm

Để kịp thời phòng ngừa và kiểm soát tốt tình hình nhập lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vừa qua, Tổng cục Hải quan tiếp tục ban hành Kế hoạch số 1244/KH-TCHQ về việc kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), với kế hoạch này, toàn ngành sẽ chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để xác định địa bàn, đối tượng, hành vi, loại hình trọng điểm để kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Trong đó, tập trung chú trọng vào các mặt hàng, địa bàn trọng điểm; các lĩnh vực trọng điểm; loại hình trọng điểm; đối tượng trọng điểm…

Bên cạnh đó, các cục hải quan địa phương thường xuyên cập nhật, thu thập thông tin, tài liệu thông qua các nguồn tin trong và ngoài ngành (qua hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan; Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, các đơn vị quản lý và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ… các nguồn tin từ nước ngoài) để xây dựng kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương bảo đảm sát đúng. Trong đó, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; tập trung nguồn lực đấu tranh có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, tổ chức điều tra, xác minh, xử lý nhanh chóng, khách quan, đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện các phương thức thủ đoạn mới để đề ra các biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-ngua-vi-pham-quyen-so-huu-tri-tue-hang-hoa-xuat-nhap-khau-154799.html
Zalo