Ngàn năm tiếng pháo xé lòng

Lệnh cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ đã được ban hành 30 năm nay nhưng đến thời điểm này các vụ tai nạn đau lòng từ pháo tự chế vẫn xảy ra, gây tử vong hoặc để lại thương tật vĩnh viễn cho nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Hành động đốt pháo nổ tuy không phổ biến như trước đây nhưng nạn buôn bán, sản xuất pháo nổ tinh vi hơn vì được tiếp tay bởi không gian mạng.

Vào mỗi dịp gần Tết, những con số tưởng chừng khô khan về tai nạn pháo nổ lại gây nhức nhối dư luận. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, chỉ từ ngày 15/12 - 27/12/2024, trên toàn quốc xảy ra 14 vụ tai nạn do pháo, khiến 5 người chết 26 người bị thương. Đằng sau thống kê này luôn là những cảnh đời bi thương, ở đó tương lai của nhiều người, thậm chí nhiều gia đình đóng lại sau tiếng pháo xé lòng. Mới đây, 6 thanh thiếu niên từ 14 - 17 tuổi đã mua các dụng cụ về tự chế pháo nổ. Vụ nổ xảy ra làm 6 người bị bỏng nặng, sau đó 1 nạn nhân tử vong… Và còn nhiều vụ việc tương tự khiến các bệnh viện phải đón những ca cấp cứu tăng vọt vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, thời điểm nhà nhà hân hoan chào đón năm mới. Những bàn tay dập nát, những vết bỏng hằn sâu suốt đời… Những chi tiết rất quen nhưng vẫn nóng hổi.

Thời điểm Chỉ thị 406 của Thủ tướng Chính phủ mới có hiệu lực với nội dung kể từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo trong phạm vi cả nước, một số người lo rằng các làng nghề và đơn vị kinh doanh pháo sẽ khó khăn, người dân mất đi một thú vui vào mỗi dịp lễ, tết hay sự kiện đặc biệt. Nhưng thực tế đã chứng minh, các làng nghề sản xuất, đơn vị kinh doanh pháo nổ đã chuyển đổi ngành nghề thành công, không khí của những ngày trọng đại không vì vậy mà kém vui.

Một thống kê sơ bộ cho biết, chỉ trong dịp Tết Giáp Tuất (1994), cả nước đã xảy ra 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm 71 người chết và tiêu tốn khoảng 20 - 30 tỉ đồng. Con số này đã đủ nói lên hậu quả khủng khiếp từ đốt pháo cũng như lợi ích của việc chấm dứt sử dụng pháo. Nhưng, lệnh cấm pháo nổ khi đó vẫn được xem là quyết định dũng cảm. Dũng cảm vì đã tấn công thẳng vào thói quen đốt pháo ăn sâu vào tiềm thức người Việt hàng ngàn năm, dũng cảm vì “đánh” vào quan niệm đốt pháo đầu năm để xua đuổi tà ma, xui rủi, đem lại may mắn.

Giờ đây, tiếng pháo vẫn còn hấp lực ma mị để nhiều người lén lút chế tạo, sử dụng; hành vi sản xuất, kinh doanh, đốt pháo lậu vẫn len lỏi trong đời sống. Sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng pháo nổ giống như đánh bạc mà thứ đem ra đặt cược chính là tính mạng, tài sản. Canh bạc ấy có thể đem lại một số lợi nhuận ban đầu nhưng chỉ một lần gặp tai nạn cháy, nổ hay sa lưới pháp luật là phải lãnh hậu quả nặng nề, thậm chí không còn cơ hội khắc phục.

Quy định hiện hành cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ, trừ các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện những việc trên. Vậy mà, thực tế vẫn khiến nảy sinh băn khoăn liệu những quy định đã đủ mạnh để loại bỏ hoàn toàn sản xuất, kinh doanh, đốt pháo lậu ra khỏi đời sống.

Để chặn đứng nguồn cung cấp pháo và triệt tiêu nhu cầu đốt pháo, cần phải có những biện pháp quyết liệt và đồng bộ hơn. Việc quản lý hóa chất tiền chất nổ phải được siết chặt thêm để không ai có thể mua về chế tạo pháo. Với tình trạng buôn pháo lậu qua biên giới, phải tăng cường kiểm tra, vây bắt và xử lý nghiêm minh. Với các đối tượng bán pháo trên mạng, phải thường xuyên theo dõi, truy vết và xử lý kịp thời…

Khi tiếng pháo nổ kéo theo bi kịch chưa dứt thì chúng ta vẫn chưa thể dừng cảnh báo. Mỗi người cần nâng cao ý thức cảnh giác hơn nữa. Xã hội cần những đợt tuyên truyền, những biện pháp xử lý đủ mạnh để xóa tan tiềm thức về tiếng pháo đã ăn sâu vào tâm trí người Việt hàng ngàn năm nay, tưởng xua đuổi tà ma, xui rủi nhưng lại đem về điều trái ngược.

PHẠM CƯỜNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202501/ngan-nam-tieng-phao-xe-long-b5f0c9e/
Zalo