Ngân hàng vừa là kênh dẫn vốn, vừa là nhân tố kiên quyết đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững

Nguồn vốn chảy vào Việt Nam rất nhiều, ngân hàng là trung gian dẫn vốn nhưng cũng là nhân tố kiên quyết để cùng đồng hành doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững.

Để tiếp cận vốn từ quốc tế, doanh nghiệp cần có sự đồng hành của ngân hàng.

Để tiếp cận vốn từ quốc tế, doanh nghiệp cần có sự đồng hành của ngân hàng.

Quan điểm trên được bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam chia sẻ tại hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/11.

ESG ảnh hưởng tới nguồn vốn

Chủ tịch EY Việt Nam cho biết, về mặt kế toán hiện nay, các ngân hàng ngoài tuân theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, còn theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Trong đó, theo chuẩn mực kế toán quốc tế đã có chuẩn mực kế toán ESG nhưng chỉ áp dụng cho quốc tế. Nhiều ngân hàng Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của Luật định Việt Nam nhưng khi phát hành trái phiếu quốc tế, kêu gọi vốn đầu tư quốc tế, ngoài báo cáo minh bạch sẽ có một báo cáo Iforest (Báo cáo của Diễn đàn quốc tế về môi trường và công nghệ (iFOREST) về chuyển đổi xanh - Kinh tế tuần hoàn. Trong IFRS có hai chuẩn mực rất quan quan trọng là trích lập dự phòng và chuẩn mực kế toán dành cho ESG. Chuẩn mực kế toán đó tập trung vào phân tích, đo lường tác động của khí hậu đến bảng cân đối kế toán, ảnh hưởng đến phần S và G.

Để tiếp cận vốn từ quốc tế, quan điểm của bà Dương là doanh nghiệp cần có sự đồng hành của ngân hàng.

“Hiện nay có chương trình hợp tác đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng với nguồn vốn 15,5 tỷ USD dành cho Việt Nam. Với các doanh nghiệp trong nước đang khát vốn, đây là một nguồn rất tốt. Ngân hàng là nơi dẫn vốn, là nơi trung gian đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp họ đón nhận nguồn vốn. Chúng ta không thể ngồi và chờ đợi, chúng ta đang sút bóng vào một khung thành di động, làm sao vừa chạy vừa xếp hàng để đón nhận cơ hội”, bà Dương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.

Khi ngân hàng phát hành bộ chỉ tiêu, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ tiêu chí sẽ được cho vay. Nhưng để đủ tiêu chí cũng là lúc doanh nghiệp đã đủ no, đủ cao, đủ nặng mới đến ngân hàng, sẽ rất khó cho doanh nghiệp nhỏ. Bởi vậy, theo Chủ tịch EY Việt Nam, ngoài tư vấn, doanh nghiệp và ngân hàng cùng dắt tay nhau đồng hành trên con đường này, hiểu từ quy định quốc tế đến Việt Nam ảnh hưởng như thế nào để thích nghi.

"Không ai lo cho mình bằng mình, bản thân ngân hàng cũng cân nhắc rất nhiều, tính trách nhiệm cao nên việc cùng đồng hành rất quan trọng. Khi nhận được tư vấn từ ngân hàng, doanh nghiệp hưởng lợi và ngân hàng phải hiểu quy định của họ rồi tiếp sức cho doanh nghiệp. Nguồn vốn chảy vào Việt Nam rất nhiều, ngân hàng là trung gian dẫn vốn nhưng cũng là nhân tố kiên quyết để cùng đồng hành doanh nghiệp phát triển bền vững", bà Dương nhấn mạnh thêm.

Chia sẻ về vấn đề nguồn vốn và việc đáp ứng các tiêu chí quốc tế, ông Hoàng Quốc Anh, Phó Tổng Thư kí Hội Thành viên độc lập Hội đồng quản trị Việt Nam (VNIDA) cho biết, Việt Nam chưa có quy định khắt khe, nhưng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đi sang các thị trường châu Mỹ, châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM) liên quan đến mua hàng hay không mua hàng nếu không đáp ứng điều kiện CBAM.

“ESG ảnh hưởng tới nguồn vốn, nhà đầu tư đưa ra quyết định có đầu tư hay không dựa trên yếu tố ESG chứ không phải vấn đề vốn đắt hay rẻ trong vài năm tới. Có một số ngân hàng hiện nay không tài trợ cho doanh nghiệp thăm dò khoan dầu khí, họ phải tìm đến các quỹ đầu tư, lãi suất cao”, ông Hoàng Quốc Anh nhìn nhận.

Đẩy mạnh thực hành ESG

Hiện nay, nhiều ngân hàng đã chủ động thực hành ESG. LPBank đã công bố Báo cáo Phát triển bền vững (Báo cáo ESG) với chủ đề “Bền bỉ với môi trường” thể hiện tầm nhìn, chiến lược trong thực thi ESG của LPBank, hướng đến mục tiêu ngân hàng phát thải ròng bằng 0, thúc đẩy tài chính xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Ông Hồ Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị LPBank cho biết: “LPBank mong muốn chung tay cùng Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050. Trong việc hỗ trợ mục tiêu này, Ngân hàng xác định vai trò và trách nhiệm của mình về hoạt động kinh doanh, song hành cùng kiến tạo giá trị cho xã hội, bảo vệ môi trường, đóng góp cho sự phát triển của một nền kinh tế xanh, xây dựng một tương lai bền vững cho thế hệ tiếp nối”.

LPBank mong muốn chung tay cùng Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050

LPBank mong muốn chung tay cùng Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050

LPBank tích hợp yếu tố môi trường và xã hội vào cơ cấu doanh nghiệp thông qua 3 trụ cột bền vững: Môi trường - chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững và trung hòa cácbon; Xã hội - xây dựng xã hội thịnh vượng; Quản trị - hành động có trách nhiệm.

Về yếu tố môi trường, LPBank đẩy mạnh các chính sách và chương trình tín dụng xanh, đưa tổng dư nợ từ 2.565 tỷ đồng năm 2020 lên 4.883 tỷ đồng năm 2023. Điều này giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương, ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.

Về yếu tố xã hội, LPBank luôn nhận được sự đồng lòng của hơn 12.000 cán bộ nhân viên trong thực hiện “Gắn trách nhiệm xã hội trong kinh doanh,” tập trung vào 5 trụ cột chính: Giáo dục và đào tạo - y tế - văn hóa, thể thao - an sinh xã hội - hỗ trợ địa phương nghèo phát triển… LPBank cũng chú trọng xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, chính sách lương, thưởng, phúc lợi được đảm bảo.

Về yếu tố quản trị, LPBank luôn thực hiện theo các nguyên tắc chuẩn mực quản trị quốc tế bao gồm: công khai minh bạch, trách nhiệm, công bằng và quản trị rủi ro toàn diện. LPBank xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, khuyến khích sự sáng tạo, phát triển toàn diện của cá nhân. Ngân hàng đã chuyển đổi mô hình ngân hàng theo ngành dọc để quản trị và phát triển kinh doanh hiệu quả và bền vững.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang-vua-la-kenh-dan-von-vua-la-nhan-to-kien-quyet-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-post358361.html
Zalo