Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên lãi suất

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt tại cuộc họp diễn ra ngày 31/10, đúng như dự đoán của thị trường.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tại thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tại thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt tại cuộc họp diễn ra ngày 31/10, đúng như dự đoán của thị trường, đồng thời cảnh báo về những bất ổn lớn xung quanh tình hình kinh tế và giá cả của Nhật Bản.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh thị trường đang “loạn nhịp” trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới và sau cuộc tổng tuyển cử ở Nhật Bản vào ngày 27/10, với kết quả kém nhất kể từ năm 2009 dành cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.

BoJ cho biết giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25%. Trong báo cáo triển vọng kinh tế, ngân hàng này cho biết: “Động lực tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản có khả năng tiếp tục vượt mức tăng trưởng tiềm năng, khi các nền kinh tế nước ngoài tiếp tục phát triển vừa phải và những dữ liệu từ thu nhập đến chi tiêu đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh các yếu tố như điều kiện tài chính nới lỏng”.

BoJ dự kiến lạm phát của Nhật Bản sẽ ở mức 2,5% trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 3/2025), trước khi giảm xuống 2,0% trong hai năm tiếp theo.

Cuộc tổng tuyển cử tại Nhật Bản vào cuối tuần trước đã chứng kiến việc liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba mất quyền kiểm soát tại Hạ viện lần đầu tiên kể từ năm 2009. Điều này có khả năng buộc ông Ishiba phải thành lập một chính phủ thiểu số, cần sự hỗ trợ từ các đảng khác để thông qua những chính sách mới.

Các doanh nghiệp và những nhà kinh tế lo ngại rằng để đạt được thỏa thuận với các đảng khác, Thủ tướng Ishiba có thể sẽ đề xuất cắt giảm thuế và tăng chi tiêu, đồng thời chậm trễ trong việc cải cách cần thiết để cải thiện năng lực cạnh tranh của Nhật Bản.

BoJ đã lâu nay là một trường hợp đặc biệt trong số các ngân hàng trung ương lớn, kiên trì theo đuổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhằm kích thích lạm phát.

BoJ đã tăng lãi suất vào tháng Ba và tháng Bảy năm nay, báo hiệu rằng còn nhiều điều chỉnh khác có thể xảy ra. Trước khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, ông Ishiba đã công khai ủng hộ việc tiếp tục chính sách này. Tuy nhiên, sau khi đồng yen tăng giá và cổ phiếu giảm mạnh, ông đã phải điều chỉnh lập trường này.

Một số chuyên gia mong muốn Nhật Bản tạm dừng chính sách này nhằm tránh việc lãi suất cao hơn gây sức ép lên người tiêu dùng và doanh nghiệp, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với đồng yen yếu hơn và giá nhập khẩu cao hơn.

Lãi suất cao hơn cũng sẽ làm tăng chi phí thanh toán “núi nợ” khổng lồ của Nhật Bản — đã lên tới mức tương đương khoảng 250% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã khởi động chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 với mức cắt giảm 0,5 điểm phần trăm, sau khi ghi nhận tiến triển trong việc đưa lạm phát về mức mục tiêu lâu dài 2%.

Trong khi đó, theo Khảo sát chi tiêu và thu nhập hộ gia đình của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, nợ phải trả của các hộ gia đình có hai người trở lên trung bình là 6,55 triệu yen (43.500 USD) vào năm 2023, vượt mức thu nhập trung bình hàng năm là 6,42 triệu yen lần đầu tiên trong khảo sát được thu thập từ năm 2002. Nợ cũng chưa bao giờ vượt thu nhập hàng năm trong một cuộc khảo sát tương tự từ những năm 1950.

Dữ liệu năm 2024 dường như cũng theo xu hướng tương tự. Tỷ lệ nợ so với tiết kiệm cũng đang ở mức cao nhất mọi thời đại.

Nhà kinh tế trưởng Takuya Hoshino tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết tình hình giá nhà tăng cao đang gây khó khăn cho người dân khi muốn mua nhà. Vì giá nhà tăng quá nhanh so với mức tăng của lương nên người mua phải vay nhiều tiền hơn, dẫn đến gánh nặng nợ nần tăng lên.

Giá căn hộ chung cư ở trung tâm Tokyo đã tăng đặc biệt nhanh chóng. Theo khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, khoản thế chấp và các khoản nợ liên quan đến nhà ở chiếm khoảng 90% tổng số nợ của các hộ gia đình.

Báo cáo dòng vốn của BoJ cũng cho thấy tổng dư nợ cho vay nhà ở trên toàn quốc đã đạt 229.000 tỷ yen (1.500 tỷ USD) vào cuối năm 2023.

Trong tháng 9/2024, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm lần đầu tiên trong 10 tháng qua. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9/2024 giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trái ngược so với mức dự báo trung bình của thị trường là tăng 0,5% và sau mức tăng đã điều chỉnh 5,5% ghi nhận vào tháng 8/2024.

Minh Trang (Theo AFP, Kyodo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ngan-hang-trung-uong-nhat-ban-giu-nguyen-lai-suat/351901.html
Zalo