Ngân hàng toàn cầu đầu tiên đạt tiêu chuẩn giám sát khí hậu

Ngân hàng ING của Hà Lan có các mục tiêu đạt chuẩn yêu cầu giám sát khí hậu của Liên Hợp Quốc...

ING đang trên lộ trình đạt mục tiêu với hoạt động cấp tín dụng trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, sản xuất điện, xi măng, thép, ô tô, hàng không và bất động sản thương mại.

ING đang trên lộ trình đạt mục tiêu với hoạt động cấp tín dụng trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, sản xuất điện, xi măng, thép, ô tô, hàng không và bất động sản thương mại.

Theo thông tin từ Sáng kiến Mục tiêu dựa trên khoa học (SBTi) công bố mới đây, ING - ngân hàng của Hà Lan có các mục tiêu đạt chuẩn giám sát khí hậu của Liên Hợp Quốc, với các gói tín dụng cho vay nhằm mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Theo đó, ING đang trên lộ trình đạt mục tiêu với hoạt động cấp tín dụng trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, sản xuất điện, xi măng, thép, ô tô, hàng không và bất động sản thương mại.

Vào năm 2022, ING đã cam kết sẽ từng bước dừng tài trợ cho lĩnh vực dầu khí vào năm 2040. Ngân hàng này đã hạn chế khoản vay và phát hành trái phiếu đối với một số công ty dầu khí vào năm ngoái.

SBTi (Science Based Targets initiative) là sáng kiến do Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc (UN Global Compact), Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Dự án công bố carbon (CDP) đồng sáng lập năm 2015.

Mục tiêu của SBTi là đảm bảo cho các tổ chức, doanh nghiệp đặt mục tiêu giảm lượng khí nhà kính của họ dựa trên cơ sở khoa học về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu và đạt mức phát thải ròng bằng 0 chậm nhất vào năm 2050.

Tính đến hết tháng 1/2025, đã có hơn 10.000 đơn vị đặt ra các mục tiêu hoặc cam kết giảm phát thải nhà kính theo sự hướng dẫn của SBTi, trong đó có Apple, Google, Amazon, PepsiCo, Nestlé. Số lượng đơn vị xác thực được SBTi hỗ trợ đã tăng 29% so với năm ngoái.

ING không phải ngân hàng đầu tiên được SBTi chứng thực mục tiêu giảm thải khí nhà kính. Trước đó, có tới 4 ngân hàng lớn, bao gồm HSBC, Standard Chartered, Socíeté Générale và ABN Amro đã làm được điều này.

Tuy nhiên, kể từ năm 2023, các ngân hàng này không còn đi theo mục tiêu giảm thải của SBTi do quan ngại việc giám sát mục tiêu của SBTi có thể cản trở kế hoạch cấp tín dụng đối với lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của những khách hàng thuộc các thị trường kém phát triển hơn đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Nỗ lực khử carbon của ING được chứng thực trong bối cảnh các ngân hàng và nhiều nhà hoạch định chính sách tranh luận liệu có nên duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu 1,5 độ C trong lĩnh vực tài chính không khi nhiều kế hoạch khí hậu quốc gia và chính sách ngành tài chính đề ra mức tăng nhiệt thực tế cao hơn đáng kể.

Sau khi chứng kiến nhiều ngân hàng lớn có động thái rút lui hoặc giảm mục tiêu khí hậu, Liên minh Ngân hàng Net Zero (NZBA) đã đề xuất hủy mục tiêu đạt mức nhiệt 1,5 độ C làm kim chỉ nam cho các kế hoạch khí hậu của các ngân hàng thành viên vào giữa tháng này.

Gần 200 quốc gia đã thống nhất với mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Các doanh nghiệp châu Á cũng không nằm ngoài xu hướng xác thực mục tiêu khí hậu của SBTi. Theo Báo cáo Giám sát SBTi 2023, có hơn 4.200 doanh nghiệp châu Á được SBTi xác thực mục tiêu khí hậu, trong đó Nhật Bản là quốc gia có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất (18,3%).

Ngành sản xuất và dịch vụ chiếm 58% số công ty đặt mục tiêu giảm thải vào năm 2023. Công nghệ sinh học, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, vốn là ngành có mức tăng trưởng thấp nhất năm 2022, đã vươn lên vị trí dẫn đầu vào năm 2023 với mức tăng 222% trong tổng số công ty có mục tiêu được SBTi xác nhận.

Ngành nguyên vật liệu, vốn có mức tăng trưởng theo tỷ lệ cao nhất vào năm 2022, đã tụt xuống vị trí cuối cùng về mặt tăng trưởng, từ 160% vào năm 2022 xuống 41% vào năm 2023.

Đức Toàn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ngan-hang-toan-cau-dau-tien-dat-tieu-chuan-giam-sat-khi-hau.htm
Zalo