Ngân hàng ồ ạt rót vốn vào lĩnh vực hạ tầng

Hàng loạt hợp đồng tín dụng ngàn tỷ đồng được các ngân hàng rót vào lĩnh vực hạ tầng. Các chuyên gia khuyến nghị, cơ chế đối với lĩnh vực này cần rõ ràng, nhất quán, tránh tình trạng ngân hàng gặp rủi ro khi tín dụng ồ ạt chảy ra mặt đường như giai đoạn trước.

BIDV là một trong những ngân hàng rót vốn vào lĩnh vực hạ tầng nhiều nhất hiện nay. Ảnh: Đức Thanh

BIDV là một trong những ngân hàng rót vốn vào lĩnh vực hạ tầng nhiều nhất hiện nay. Ảnh: Đức Thanh

Sắp có gói tín dụng khủng cho lĩnh vực hạ tầng

Cuối tuần qua, Agribank ký một hợp đồng tín dụng “khủng” với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Trước đó, từ đầu năm đến nay, một loạt ngân hàng cũng đã ký những hợp đồng tín dụng ngàn tỷ đồng vào lĩnh vực hạ tầng. Chẳng hạn, Vietcombank ký hợp đồng tín dụng cấp 5.472 tỷ đồng cho Dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên; TPBank cấp tín dụng 2.500 tỷ đồng cho Dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng…

Theo thông tin của Báo Đầu tư, tới đây, ngành ngân hàng sẽ có gói tín dụng quy mô lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng cho lĩnh vực hạ tầng - gói tín dụng lớn nhất từ trước đến nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu thời gian tới nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn do chính sách thuế quan mới của Mỹ. Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng là một trong những giải pháp quan trọng và cũng là trọng tâm rót vốn của ngân hàng.

Năm nay, cả nước có thể hoàn thành hơn 3.300 km đường cao tốc (vượt 10% mục tiêu đề ra). Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải mở rộng nhiều tuyến cao tốc từ 2 làn hiện nay lên 4 làn, 6 làn, đồng thời không để các nhà thầu “cô đơn” trên công trình.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, để “đẩy” tín dụng, năm nay, các ngân hàng tập trung cho vay nhiều các dự án hạ tầng, như sân bay, đường cao tốc, nhà ga, đô thị vệ tinh của dự án…

“Dự kiến, từ cuối năm 2025, hàng loạt đại dự án quan trọng sẽ được triển khai. Từ năm 2026, mỗi năm dự kiến có ít nhất 8 - 10 tỷ USD được rót vào nền kinh tế. Để huy động đủ vốn cho các đại dự án này, ngoài ngân sách, cần có sự tham gia của các ngân hàng”, ông Nghĩa nói.

Tuy vậy, hiện nay, 80-90% vốn huy động của ngân hàng là ngắn hạn, trong khi cho vay hạ tầng đều là vốn dài hạn, nên rủi ro tiềm ẩn cho ngân hàng là rất lớn. Vì vậy, để tránh dẫm vào vết xe đổ, các ngân hàng thương mại đề nghị cơ chế phát triển dự án BOT, BT phải rõ ràng.

Còn nhớ, giai đoạn 2011-2015, vốn ngân hàng ồ ạt đổ ra mặt đường khi các ngân hàng rót hàng chục ngàn tỷ đồng cho vay các dự án BT, BOT giao thông. Tuy nhiên, sau đó, hàng loạt dự án rơi vào thua lỗ, đội vốn - phần lớn do vướng mắc về cơ chế - khiến suốt một thời gian dài, nhiều ngân hàng hết sức lo ngại cho vay lĩnh vực này. Dư nợ tín dụng cho vay BT, BOT giao thông chỉ còn dưới 1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nhà nước lý giải, trước đây, ngân hàng sợ cho vay dự án BT, BOT và thực tế, hầu hết dự án thua lỗ, đội vốn. Nguyên nhân là các dự án BT, BOT trước đây chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, thời gian thu hồi vốn dài, quản lý yếu kém, cơ chế vận hành dự án nhiều bất cập, rủi ro cao.

Tuy nhiên, hiện nay, loạt dự án BT, BOT đang và sắp triển khai đều được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

“Với các dự án này, Nhà nước bỏ vốn 50%, phần còn lại thường ngân hàng cho vay 35%, chủ đầu tư chỉ bỏ vốn 15%. Điều này khiến ngân hàng, doanh nghiệp yên tâm tham gia dự án. Hơn nữa, hiện nay, thủ tục và thời gian thực hiện quyết toán hợp đồng xây dựng sử dụng vốn đầu tư công cũng nhanh hơn trước, giúp ngân hàng quay vòng vốn nhanh hơn”, lãnh đạo ngân hàng trên cho biết.

Chặn rủi ro khi vốn chảy vào hạ tầng

Dù khẳng định sẽ đáp ứng đầy đủ vốn cho các công trình, dự án trọng điểm của nền kinh tế, song Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra nhiều khó khăn của ngành ngân hàng khi cho vay lĩnh vực này. Cụ thể, các dự án BOT thường cần vốn rất lớn và thời gian hoàn vốn dài, có thể dẫn đến ách tắc trong huy động vốn.

Thực tế, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu là vốn ngắn hạn, trong khi các dự án BOT giao thông thường có thời gian thu hồi vốn dài hạn. Chưa kể, các dự án BOT giao thông thường cần vốn hàng ngàn tỷ đồng, trong khi room tín dụng của ngân hàng bị giới hạn, dẫn đến việc ngân hàng không thể giải ngân thêm nếu đã chạm mức trần tín dụng.

Trước đây, cho vay hạ tầng được xếp vào lĩnh vực rủi ro, vì thời gian hoàn vốn lâu, ngân hàng đối mặt với nguy cơ mất cân đối cơ cấu kỳ hạn. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, trong khi thủ tục liên quan đầu tư công được rút ngắn, thời gian ngân sách hoàn trả vốn đầu tư cho doanh nghiệp cũng nhanh hơn. Đây là lý do khiến các ngân hàng cho vay hạ tầng nhiều.

Ông Nguyễn Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, kiêm Giám đốc SSI Research

Tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước gần đây, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, cần có giải pháp gỡ khó khi bơm vốn cho lĩnh vực hạ tầng.

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, thời gian tới, Chính phủ sẽ giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước triển khai các dự án lớn. Tuy nhiên, ngân hàng cho vay các dự án này không dễ, bởi các khách hàng trên về cơ bản đã chạm mức giới hạn tối đa cho vay với một khách hàng.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT DOJI đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét miễn áp dụng room tín dụng đối với các khoản vay BOT, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng có thêm dư địa tài trợ vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm.

Liên quan vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng luôn quyết liệt với việc cấp tín dụng cho các dự án lớn, dự án BOT và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép vượt hạn mức cấp tín dụng đối với các ngân hàng cho vay những dự án trên.

Ngoài vấn đề hạn mức tín dụng, nhiều ngân hàng cũng đề nghị, cơ chế với các dự án BT, BOT cần rõ ràng, nhất quán, tránh để xảy ra tình trạng doanh nghiệp vỡ phương án tài chính như đã xảy ra trước đây.

Được biết, Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành một nghị quyết của Quốc hội nhằm giải quyết triệt để bất cập tại các dự án BOT được đầu tư xây dựng giai đoạn trước năm 2015. Theo đó, Bộ đề xuất Nhà nước bố trí gần 14.800 tỷ đồng tiền tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2024 để mua lại và hỗ trợ các dự án BOT đặt sai vị trí, bị vỡ phương án tài chính.

Với các dự án BT, BOT giai đoạn tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận thông tin, xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định của pháp luật.

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-hang-o-at-rot-von-vao-linh-vuc-ha-tang-d262923.html
Zalo