Ngân hàng nỗ lực đẩy vốn vào nền kinh tế
Theo chia sẻ của lãnh đạo một số ngân hàng, các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay, ưu đãi về phí… cùng nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng nhằm đẩy vốn vào nền kinh tế.

Các ngân hàng được giao chỉ tiêu tín dụng cao hơn trong năm nay
“Triển khai mọi biện pháp thúc đẩy tín dụng”

Ông Lê Duy Hải - Phó tổng giám đốc VietinBank
Bám sát định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, chính quyền địa phương, VietinBank vừa thu hút nguồn vốn vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, ngành trọng tâm, trọng điểm phát triển cũng như các động lực tăng trưởng kinh tế. Theo đó, dư nợ tín dụng tăng đều ngay từ những tháng đầu năm và luôn giữ mức cao hơn so với bình quân toàn ngành.
VietinBank luôn dành những nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh. Chẳng hạn, trong năm 2024, Ngân hàng đã thực hiện 5 đợt điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay chung và ban hành hàng loạt chương trình tín dụng với lãi suất cạnh tranh được cân đối từ nguồn vốn thương mại của Ngân hàng với mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 2 - 3%/năm.
Ngân hàng cũng xây dựng các chính sách ưu đãi về phí để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm phí dịch vụ đối với các giao dịch tài trợ thương mại - thanh toán quốc tế và bảo lãnh đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu; giảm phí dịch vụ chuyển tiền trong nước, dịch vụ tài khoản, ngân hàng điện tử; miễn, giảm phí giao dịch với nhóm đơn vị sự nghiệp như y tế, giáo dục.
Bên cạnh đó, VietinBank tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm và chính sách đặc thù liên quan đến các lĩnh vực trọng điểm của từng khu vực, như thủy điện, chế biến nông sản, tài trợ nhà đầu tư bất động sản khu công nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp. Ngân hàng cũng tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ dòng vốn đối với các dự án xanh, từ đó mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Cụ thể, VietinBank đã triển khai Gói tài chính xanh GREEN UP, sản phẩm tiền gửi xanh, xây dựng hệ sinh thái ESG VietinBank và lực lượng nhân sự ESG tại chi nhánh, qua đó, hội tụ tối đa các đối tác và nhân sự có năng lực để đồng hành cùng khách hàng trên hành trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.
Thời gian tới, VietinBank cam kết sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đất nước.
“Tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng”

Ông Hồ Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank
Năm 2024, Ngân hàng đã triển khai 14 đợt giảm lãi suất cho vay theo các chương trình đối với khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai 22 chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2%/năm so với lãi suất bình quân. Theo đó, quy mô dư nợ hỗ trợ đạt hơn 900.000 tỷ đồng (chiếm 63% tổng dư nợ của Vietcombank) và quy mô hỗ trợ lãi vay đạt khoảng 6.500 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2025, Vietcombank đã triển khai hàng loạt chính sách, chương trình, sản phẩm với mức lãi suất ưu đãi và cạnh tranh nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, triển khai đồng thời 16 chương trình cho vay ngắn hạn và trung dài hạn với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2%/năm so với lãi suất bình quân theo kỳ hạn cho doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, Vietcombank tích cực triển khai các chính sách giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như trong 5 lĩnh vực ưu tiên hay chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33; chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản cũng như chính sách cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.
Đối với chương trình cho vay lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, doanh số giải ngân đạt hơn 10.300 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank tiếp tục mở rộng đối tượng, phạm vi tham gia thành Chương trình tín dụng dành cho các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và tăng quy mô 1,5 lần, đạt 15.000 tỷ đồng (gấp 10 lần so với dự kiến ban đầu).
Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33, nhằm thúc đẩy tín dụng của chương trình này cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, Vietcombank đã ban hành nhiều chương trình, chính sách với lãi suất trung dài hạn rất cạnh tranh. Theo đó, 3 khách hàng là chủ đầu tư của 4 dự án nhà ở xã hội đã sử dụng gói tín dụng của Vietcombank với dư nợ tại thời điểm 28/2/2025 đạt gần 800 tỷ đồng, dự kiến đến ngày 31/12/2025 sẽ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng.
Vietcombank sẽ đẩy mạnh truyền thông trong và ngoài hệ thống để tăng khả năng tiếp cận vốn của các khách hàng; tiếp tục triển khai các chương trình cho vay liên kết, chuỗi cung ứng.
Với nỗ lực, quyết tâm và các giải pháp nêu trên, Vietcombank cam kết tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt trên 16% so với năm 2024, tương đương mức tăng trưởng dư nợ dự kiến 235.000 tỷ đồng.
“Tập trung 5 giải pháp trọng tâm”

Ông Đỗ Đức Thành, Phó tổng giám đốc Agribank
Năm 2025, Agribank cam kết tiếp tục hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao; trong đó, tăng trưởng tín dụng tối thiểu 200.000 tỷ đồng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp, nông thôn, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Agribank đã xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2025 ở mức cao hơn năm 2024, tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tích cực triển khai các giải pháp đột phá, quyết liệt theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, trong đó triển khai sớm ngay từ đầu năm 9 chương trình tín dụng quy mô trên 350.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn đến 2%/năm so với lãi suất thông thường, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; các dự án đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm, các dự án năng lượng tái tạo..., khuyến khích khách hàng ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phát triển tín dụng xanh.
Thứ hai, tiếp tục cải tiến quy trình, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay; đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của khách hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả.
Thứ ba, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 của Chính phủ (Agribank đã phê duyệt 13 dự án với tổng mức phê duyệt trên 3.000 tỷ đồng và đang tiếp cận 7 dự án với số tiền dự kiến cấp tín dụng trên 3.000 tỷ đồng); cho vay lĩnh vực lâm thủy sản (dự kiến sớm đạt quy mô của chương trình 13.000 tỷ đồng trong năm 2025); tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, giúp khách hàng khôi phục sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống...
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, tạo động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm dịch vụ cung ứng cho khách hàng theo hướng số hóa, hiện đại, góp phần hoàn thành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.