Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ngoại tệ khi thị trường ngoại hối biến động quá lớn
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường ngoại hối của Việt Nam vẫn còn tình trạng đô la hóa, chịu tác động bởi yếu tố tâm lý và kỳ vọng rất nhiều...
Sáng ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng.
SẼ BÁN NGOẠI TỆ KHI THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI BIẾN ĐỘNG QUÁ LỚN
Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) đề nghị Thống đốc cho biết các giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để giảm lãi suất, nhằm người dân tiếp cận được dễ hơn tín dụng,
Trả lời câu hỏi của đại biểu, vị tư lệnh Ngân hàng Nhà nước thừa nhận thị trường tiền tệ quốc tế diễn biến phức tạp. Sau thời gian thắt chặt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng hạ lãi suất, điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đồng USD biến động phức tạp, khi có thời điểm giảm mạnh, từ quý 3 lại tăng và hiện biến động ở mức cao.
Những diễn biến này, theo bà Hồng đã tác động tới thị trường ngoại hối trong nước. Nhiệm vụ ổn định tỷ giá, ngoại hối là khó khăn do phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường, tức lượng ngoại tệ chi ra nền kinh tế và nguồn thu có được.
Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối còn tồn tại tình trạng đô la hóa, nên chịu tác động tâm lý kỳ vọng lớn. Tức là tổ chức, doanh nghiệp có ngoại tệ thì không bán, khi chưa cần ngoại tệ, họ đã mua, nên đây là thách thức của điều hành. Dù vậy, bà Hồng nói Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến thị trường.
"Hiện tỷ giá được phép dao động +/- 5%. Khi thị trường biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân", Thống đốc thông tin.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn tỉnh Hải Dương) cũng đặt cho Thống đốc câu hỏi về việc có nên thay đổi chính sách dự trữ ngoại hối để đối phó với biến động tỷ giá khi tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay.
Trả lời chất vấn của đại biểu, bà Hồng cho biết việc tiếp tục giảm lãi suất hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến nền kinh tế thế giới, trong nước, đặc biệt là diễn biến về thanh khoản, tình trạng của hệ thống ngân hàng.
"Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, mặt bằng lãi suất đã giảm khác là nhiều so với các nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi", bà nói.
Còn về dự trữ ngoại hối nhà nước, Thống đốc cho biết, nguyên tắc quản lý là đảm bảo an toàn, đảm bảo thanh khoản và sinh lời. Trong đó, hai nguyên tắc đầu tiên được ưu tiên hơn hết.
"Dự trữ ngoại hối Nhà nước được sử dụng để can thiệp khi đất nước gặp khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, cần ngoại tệ nhập khẩu" bà nói. "Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện theo hướng đảm bảo an toàn và thanh khoản là chủ yếu. Còn về sinh lời sẽ điều chuyển đầu tư dự trữ ngoại hối theo hướng có lợi nhất cho đất nước".
AN TOÀN HỆ THỐNG TÍN DỤNG CẦN ĐẶT LÊN TRÊN HẾT
Bà Trần Hồng Nguyên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật quan tâm tới vấn đề nợ xấu ,“Thống đốc đánh giá thế nào về nợ xấu, giải pháp nào để giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nếu không giảm được thì việc điều hành tiền tệ gặp khó khăn ra sao?".
Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận nợ xấu có xu hướng tăng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tới cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu nội bảng 4,55%, gần bằng mức cuối 2023. Mức này tăng so với mức 2% của 2022.
"Đây là thực tế, vì từ 2020 đến nay, Covid-19 khiến người dân, doanh nghiệp khó khăn. Họ bị giảm nguồn thu, không có tiền trả vay ngân hàng nên phát sinh nợ xấu", bà Hồng nói.
Để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thẩm định kỹ khả năng trả nợ của khách hàng khi cho vay, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Với nợ xấu hiện hữu, các nhà băng tăng biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ, phát mãi tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Dù vậy, bà Hồng thừa nhận việc này "cũng khó khăn trong bối cảnh hiện tại".
Hệ quả nợ xấu tăng, theo Thống đốc, các nhà băng có giảm thêm lãi suất cho vay khi họ vẫn phải trả lãi tiền gửi khi huy động từ người dân, trong khi đầu ra khách hàng lại không trả được nợ. Tuy nhiên, bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp để hạ lãi suất cho vay, yêu cầu các nhà băng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho doanh nghiệp, người dân. Thời gian qua, các ngân hàng đã miễn, giảm 50.000 - 60.000 tỷ đồng lãi suất, nhằm hỗ trợ khách hàng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn tỉnh Hải Dương) nói tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 21%. "Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham mưu cho Chính phủ giải pháp thiết thực gì về tín dụng, vốn để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đáp ứng mục tiêu phát triển", bà Nga chất vấn.
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam có đặc thù nhu cầu đầu tư cho sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu vốn, tín dụng của ngân hàng. Chỉ số dư nợ tín dụng trên GDP hiện nay đã hơn 120%, nên Ngân hàng Nhà nước phải hết sức cân nhắc khi điều hành về tín dụng. Để giải quyết vốn, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ tăng cường vốn cho doanh nghiệp và người dân.
Vốn cho sản xuất kinh doanh gồm tự có, vay ngân hàng, thu hút trực tiếp, gián tiếp nước ngoài hoặc vay nợ. Nếu doanh nghiệp có khả năng tự vay tự trả vốn nước ngoài cũng có khuôn khổ pháp lý. Bà đề nghị doanh nghiệp và người dân cân nhắc để tìm nguồn vốn phù hợp. Tổ chức cá nhân cũng phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn để được vay, và quan trọng nhất là có khả năng trả nợ.
"Để doanh nghiệp và người dân có khả năng trả nợ, họ phải có dự án kinh doanh, phương án khả thi, đòi hỏi hỗ trợ, giải pháp từ nhiều bộ ngành liên quan như giải pháp về thị trường, tư vấn pháp lý và giải pháp về sản phẩm, bảo lãnh. Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng thực hiện giải pháp hỗ trợ tín dụng nhưng vẫn kiểm soát lạm phát", bà Hồng thông tin.
Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn tỉnh Quảng Trị) nêu vấn đề, một số ngân hàng chạy xô tăng trưởng tín dụng cũng như khi cấp tín dụng tăng trưởng bất động sản có thể tiềm ẩn rủi ro.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước là làm sao vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vừa phải đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. "An toàn của hệ thống ngân hàng cần đặt lên trên hết và trước hết, bởi nếu hệ thống tín dụng tiềm ẩn rủi ro sẽ có hệ lụy rất lớn với nền kinh tế", bà Hồng nói.
Vì vậy, nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước sử dụng công vụ là hạn mức tín dụng, thực hiện từ năm 2011 đến nay. Đặc thù của Việt Nam là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên có thời kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 30%, có những năm tăng hơn 50%, gây ra hệ lụy và rủi ro với hệ thống ngân hàng. Đơn cử có ngân hàng huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn. Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng hạn mức tín dụng, dựa trên xếp hạng các ngân hàng và khả năng mở rộng của họ. Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên cảnh báo các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao, tiềm ẩn rủi ro.
Về tín dụng bất động sản, bà Hồng nhắc lại Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản. Các ngân hàng không cho vay dựa trên khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản, mà còn cần căn cứ khả năng huy động nguồn vốn ngắn hạn hay dài hạn. Ngân hàng Nhà nước quy định các nhà băng không được cho vay quá 30% vốn ngắn hạn với các khoản vay trung và dài hạn.