Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bộ Tài chính Mỹ
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Ngọc Cảnh làm việc song phương với Bộ Tài chính Mỹ, trao đổi về chính sách tiền tệ, thuế quan và thúc đẩy hợp tác bền vững.

Phó thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chụp ảnh với đoàn Bộ Tài chính Mỹ bên lề Hội nghị chính thức. Ảnh: SBV.
Trong 2 ngày 7-8/4 tại Kuala Lumpur (Malaysia), đoàn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do Phó thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh dẫn đầu tham dự các Hội nghị Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) và Thứ trưởng Tài chính ASEAN, ASEAN+3.
Đáng chú ý, bên lề hội nghị, Phó thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh đã có buổi làm việc song phương với ông Robert Kaproth - Quyền trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Hai bên đã trao đổi sâu về tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách điều hành tiền tệ hiện nay.
Tại buổi làm việc, Phó thống đốc khẳng định chính sách tiền tệ và tỷ giá của NHNN luôn hướng tới mục tiêu giữ ổn định giá cả, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, có độ mở cao và dễ bị tác động bởi các biến động toàn cầu, NHNN đã và đang điều hành chính sách một cách linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường trong nước cũng như tình hình kinh tế quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam không sử dụng tỷ giá như một công cụ để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại.
Về chính sách thuế đối ứng mới mà Mỹ vừa công bố, Phó thống đốc cho biết Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump để nhấn mạnh thiện chí và mong muốn tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích chung. Việt Nam sẵn sàng đối thoại với Mỹ nhằm tiến tới một thỏa thuận song phương, hướng đến quan hệ thương mại bền vững.
Phía Việt Nam cũng đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng của chính quyền Tổng thống Trump, đề xuất hoãn áp dụng thuế mới ít nhất 45 ngày để có thời gian chuẩn bị và chuyển tiếp. Đồng thời, các cơ quan chức năng đang tích cực tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề thông qua đối thoại và hợp tác.
Đáp lại, ông Robert Kaproth ghi nhận sự thất vọng và quan ngại của các nước ASEAN trước chính sách thuế mới của Mỹ, đồng thời khẳng định Bộ Tài chính Mỹ sẽ phối hợp cùng các nước trong khu vực để giải quyết vấn đề này từ góc độ kỹ thuật.
Kết thúc buổi tiếp, hai bên cam kết tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác, đối thoại chính sách giữa NHNN và Bộ Tài chính Mỹ để trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Trước đó, trong khuôn khổ hội nghị chính thức, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, song triển vọng trung hạn khu vực đang suy giảm mạnh, đặc biệt do tác động ngày càng rõ rệt của phân mảnh địa kinh tế và xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
IMF cảnh báo xu hướng phân mảnh FDI có thể làm giảm đầu tư ở các nước đang phát triển, gây thiệt hại GDP toàn cầu lên tới 6-8% trong kịch bản cực đoan. IMF đề xuất ASEAN cần đẩy mạnh hội nhập đầu tư, hỗ trợ khu vực tư nhân, cải cách cơ cấu, tăng cường hợp tác chính sách...
Về phía ADB, tổ chức này bày tỏ lo ngại trước mức thuế cao mà Mỹ mới công bố đối với hàng xuất khẩu từ ASEAN+3, trong đó Việt Nam chịu 46%. ADB cảnh báo thuế quan này có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa, gây gián đoạn chuỗi giá trị và tạo áp lực lạm phát.
Theo đó, ADB khuyến nghị ASEAN+3 cần phản ứng chính sách toàn diện, thúc đẩy nâng cấp hiệp định thương mại và tăng cường hợp tác tài chính khu vực thông qua các cơ chế như Thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và hoạt động giám sát kinh tế vĩ mô của AMRO...
Chia sẻ tại hội nghị, các Phó thống đốc và Thứ trưởng ASEAN+3 nhấn mạnh chính sách thuế mới của Mỹ đi ngược xu hướng thương mại đa phương, gây ảnh hưởng lớn tới khu vực.
Trong bối cảnh này, các đại biểu đề xuất ưu tiên ổn định tài chính, duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, tăng cường phối hợp chính sách, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và hợp tác khu vực để ứng phó hiệu quả...