Ngân hàng Nhà nước dự thảo thông tư hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu thời hạn trả nợ tối đa 1 năm với khách vay bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3.
Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Để được cơ cấu nợ khách hàng phải đáp ứng một số quy định.
Khách hàng chịu thiệt hại từ bão số 3 có dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7-9 và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 7-9-2024 đến hết ngày 31-12-2025.
Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đã quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 7-9 đến ngày thông tư này có hiệu lực khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu tiên.
Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31-12-2026.
Khách hàng được cơ cấu nợ là khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá gặp khó khăn không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận thuộc một trong các trường hợp sau: Khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3; đối tác của khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 nên không thực hiện được đúng, đầy đủ các cam kết, thỏa thuận đã ký với khách hàng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng phải được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
Đáng chú ý, quy định trên loại trừ trường hợp khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 và đang cần có thời gian để ổn định đời sống, xây dựng, tìm kiếm phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với trường hợp này được thực hiện trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực và thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ không quá 1 năm kể từ ngày được cơ cấu.
Lý giải đề xuất trên, theo cơ quan soạn thảo, tại các buổi làm việc, tổ chức tín dụng cho rằng nhiều khách hàng bị thiệt hại nặng như mất hết lồng bè và cá, thiệt hại phần lớn vật nuôi cây trồng... Vì vậy, sau khi hết thiên tai, khách hàng cần thời gian nhất định để tìm kiếm cứu nạn người mất tích, thu dọn, sắp xếp, sửa chữa lại nhà cửa, cơ sở kinh doanh.
Ngoài ra, việc thu xếp nguồn vốn để sửa chữa, phục hồi các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua giống vật nuôi, cây trồng cũng hết sức khó khăn. Do đó, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, kế hoạch trả nợ đảm bảo khả năng trả nợ sau cơ cấu theo quy định hiện hành về cơ cấu lại thời hạn trả nợ là rất khó khăn.
Việc tổng hợp đánh giá thiệt hại và thực hiện các chính sách của nhà nước (bồi thường thiệt hại do thiên tai, khoanh nợ) cũng cần khá nhiều thời gian để xử lý. Thực tế, việc xử lý khoanh nợ cho khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải cần 6-8 tháng (có trường hợp là hơn 1 năm) do phải thực hiện xử lý tại nhiều cấp ở địa phương, các bộ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Do vậy, dự thảo thông tư đã có quy định để xử lý đối với tình huống nêu trên, đảm bảo tổ chức tín dụng có thể triển khai thực hiện ngay chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng theo quy định pháp luật.
Khách hàng chịu ảnh hưởng của báo số 3 tại 26 địa phương sau thuộc diện hưởng cơ chế này: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa.