Ngân hàng Nhà nước có thể tính đến việc tích lũy dự trữ ngoại hối để tăng cường bộ đệm

Thặng dư thương mại, giải ngân FDI và kiều hối… đang là những yếu tố cơ bản hỗ trợ cho tỷ giá. Trong thời gian tới, trong trường hợp tích cực, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tính đến việc tích lũy dự trữ ngoại hối để tăng cường bộ đệm cho công cụ can thiệp này trong tương lai.

Đây là dự báo về khả năng tích lũy dự trữ ngoại hối trong thời gian tới của các chuyên gia SSI Research trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần vừa phát hành.

Giảm lãi suất trên kênh mua kỳ hạn và tín phiếu

Báo cáo của SSI Research cho biết, tuần qua, thanh khoản hệ thống tương đối cân bằng trong tuần trước đó và Ngân hàng Nhà nước bơm ròng nhẹ trên kênh thị trường mở, với tổng khối lượng là 13,1 nghìn tỷ đồng, chủ yếu ở 3 ngày đầu tuần.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh việc phát hành kênh mua kỳ hạn 7 ngày với khối lượng đạt 56,6 nghìn tỷ đồng trên tổng số 24 nghìn tỷ đồng đáo hạn, chủ yếu trong 3 ngày đầu tuần. Sau đó, trong những ngày còn lại, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh phát hành tín phiếu (35,7 nghìn tỷ đồng) trên tổng số 16,2 nghìn tỷ đồng đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh mua kỳ hạn là 56,6 nghìn tỷ đồng và kênh tín phiếu là 97 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất trên kênh mua kỳ hạn và kênh tín phiếu. Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất trên kênh mua kỳ hạn và kênh tín phiếu. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, theo SSI Research, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất trên kênh mua kỳ hạn và kênh tín phiếu xuống 4,25%, từ mức 4,5% khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt và nhiều khả năng cán cân thanh toán trong quý II được cải thiện.

“Điều này thể hiện mức độ linh hoạt trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và tập trung vào công cụ lãi suất ngắn hạn để có khả năng truyền tải sang lãi suất thị trường, hạn chế ảnh hưởng từ cú sốc bên ngoài, đồng thời bảo vệ bộ đệm dự trữ ngoại hối” – các chuyên gia của SSI Research cho hay.

Đối với lãi suất liên ngân hàng, kỳ hạn qua đêm giao dịch trong biên độ hẹp (4,5% - 4,9%) xuyên suốt tuần. Khối lượng giao dịch đã hạ nhiệt đáng kể và chỉ còn 285 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 16% so với tuần trước đó.

Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt

Thị trường ngoại hối trong nước tương đồng với diễn biến trong khu vực. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do đều đồng loạt hạ nhiệt đáng kể so với tuần trước đó, và thu hẹp mức tăng so với cuối năm 2023 xuống chỉ còn 3,5%.

Dữ liệu chính thức về cán cân thương mại trong 7 tháng được Tổng cục Hải quan công bố, với mức thặng dư 14,5 tỷ USD, kết hợp với giải ngân FDI tích cực và kiều hối tăng trưởng tốt là những yếu tố cơ bản hỗ trợ tỷ giá.

Chính vì vậy, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, trong thời gian tới, trong trường hợp tích cực, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tính đến việc tích lũy dự trữ ngoại hối để tăng cường bộ đệm cho công cụ can thiệp này trong tương lai.

Trong khi đó, trên thị trường ngoại hối thế giới, tuần trước, số liệu kinh tế Mỹ có phần nào tích cực hơn, trong đó chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất ở mức 51,4 điểm trong tháng 7, tăng lên từ mức 48,8 của tháng trước đó và giúp biến động trên thị trường ngoại hối và chứng khoán hạ nhiệt.

Đồng USD, thông qua chỉ số DXY gần như đi ngang (-0,1% so với tuần trước đó) và các đồng tiền khác có biến động trái chiều, trong đó các đồng tiền khu vực châu Á (ngoại trừ KRW (-0,3%) và JPY (-0,1%)) tăng giá so với USD như MYR (+1,6%), TWD (+1,2%), THB (+0,23%). Tâm điểm thị trường tuần này sẽ đến đến từ dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 của Mỹ./.

Hải Băng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-hang-nha-nuoc-co-the-tinh-den-viec-tich-luy-du-tru-ngoai-hoi-de-tang-cuong-bo-dem-157005.html
Zalo