Ngân hàng mở nở rộ, liệu 'trộm' dễ viếng thăm tài khoản người dùng?

Với việc mở rộng kết nối với các bên thứ ba, 'app' ngân hàng giờ đây trở thành 'siêu ứng dụng', đáp ứng hầu hết nhu cầu của người dân. Thế nhưng, phát triển ngân hàng mở cũng làm dấy lên nguy cơ bị 'trộm' viếng thăm tài khoản.

Ứng dụng ngân hàng giúp người dùng dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính mọi lúc, mọi nơi.

Ứng dụng ngân hàng giúp người dùng dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính mọi lúc, mọi nơi.

Quan hệ cộng sinh, ngân hàng và đối tác đều hưởng lợi

Từ đầu năm đến nay, có hơn 50 triệu lượt người dùng đặt xe taxi thông qua ứng dụng ngân hàng, tăng 3-4 lần so với năm trước. Không chỉ đặt taxi, đặt vé máy bay, tàu hỏa, mà người tiêu dùng còn có thể mua vé xem phim, mua sắm, đặt phòng khách sạn… thông qua app ngân hàng.

“Các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển mình từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, gắn liền với sự kết nối và tích hợp nền tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu... nhằm phát triển một hệ sinh thái số, hệ sinh thái ngân hàng mở”, ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Ngân hàng mở là sự phát triển của một hệ sinh thái tài chính dựa trên kết nối giữa các ngân hàng, tổ chức tài chính với doanh nghiệp - đơn vị cung cấp dịch vụ thứ ba - qua cổng kết nối API. Nếu như trước đây, khách hàng chủ yếu sử dụng ứng dụng ngân hàng để chuyển tiền, thanh toán, thì nay sử dụng app ngân hàng để phục vụ rất nhiều nhu cầu, như thanh toán, mua sắm, giải trí…

Được biết, hiện nay, mỗi ngân hàng đều có sự kết nối từ hàng chục, hàng trăm đối tác. Những ngân hàng lớn như BIDV còn cho phép kết nối gần 2.000 nhà cung cấp dịch vụ và trung gian thanh toán qua cổng thanh toán BIDV Paygate.

Sự kết nối này giúp bên thứ ba tận dụng được tập khách hàng đa dạng của ngân hàng để phát triển, trong khi ngân hàng gia tăng tiện ích, kích thích khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ hơn. Đây là mối quan hệ cộng sinh, có lợi cho cả hai bên và dĩ nhiên, khách hàng cũng được hưởng lợi.

“Ngân hàng mở đang là xu hướng tương lai, ngân hàng mở thực sự trao quyền cho người tiêu dùng, cho phép người tiêu dùng chia sẻ dữ liệu tài khoản tài chính của họ một cách an toàn với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác. Ngân hàng mở cung cấp cho người tiêu dùng các dịch vụ tài chính được cá nhân hóa, giúp họ quản lý tài chính hiệu quả”, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch quản lý kinh doanh (Tổ chức thẻ Mastercard) cho hay.

Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, phát triển ngân hàng mở, đa dạng hệ sinh thái sẽ giúp khách hàng được hưởng nhiều tiện ích, có được trải nghiệm thanh toán liền mạch, không gián đoạn. Với sự chia sẻ giữa các bên, ngân hàng mở sẽ thúc đẩy doanh số, tăng khả năng giữ chân khách hàng cho cả ngân hàng lẫn bên thứ ba.

Tại Việt Nam, ngân hàng mở có rất nhiều tiềm năng phát triển do người tiêu dùng ngày càng sử dụng nhiều giải pháp tài chính số. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm nay, có 8 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt, trong đó thanh toán qua Internet tăng 50%, thanh toán qua thiết bị di động tăng 60%, thanh toán qua mã QR tăng 104%.

Nguy cơ mất tiền sẽ tăng cao hơn?

Ngân hàng mở giúp hệ sinh thái ngân hàng mở rộng, tăng lợi ích cho ngân hàng và doanh nghiệp, cũng như tăng tiện ích cho khách hàng. Tuy vậy, các chuyên gia FPT IS cảnh báo, mở rộng kết nối với bên thứ ba khiến ngân hàng dễ bị lộ, lọt dữ liệu, thông tin khách hàng. Nguy cơ bị tấn công hệ thống cũng cao hơn.

NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, kết nối trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó sớm ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, thông tư về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành ngân hàng (Open API) và nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn về an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử.

- Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN)

Thực tế, hiện nay, nhiều ứng dụng ngân hàng, ví điện tử cho phép khách hàng tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, bao gồm cả dịch vụ tài chính (vấn tin, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm, vay tín chấp, mở thẻ, thanh toán dịch vụ công…), lẫn các dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe, gọi đồ ăn, giao hàng, mua sắm trực tuyến…

“Mặc dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, song việc phát triển hệ sinh thái ngành ngân hàng hướng tới mô hình ngân hàng mở cũng đối mặt với một số khó khăn, thách thức như an toàn bảo mật, thách thức về công tác quản trị dữ liệu thách thức về tiêu chuẩn chung”, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận.

Rủi ro với ngân hàng, khách hàng càng tăng trong bối cảnh Việt Nam chưa có tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật API chung cho ngân hàng mở. Hiện tại, nhiều ngân hàng chủ động mở một phần dữ liệu của mình với bên thứ ba, triển khai API tương đối phổ biến. Một số ngân hàng đã triển khai các cổng API mở (Open API Portal) cho phép các bên thứ ba đăng ký kết nối, sử dụng API để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng đổi mới sáng tạo như VietinBank iConnect (2019), BIDV Open API (2023), OCB API Developer Portal…

NHNN khẳng định luôn chú trọng bảo vệ an ninh, bảo mật, bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng. Đã có nhiều quy định, văn bản của NHNN về việc mở tài khoản, mở thẻ, ví điện tử… phải được sự đồng ý của người tiêu dùng. Tất cả các tổ chức cung ứng dịch vụ liên quan đều phải đảm bảo giao dịch được thực hiện bởi chính chủ, góp phần giúp bảo vệ thông tin dữ liệu người dùng. Cũng có quy định về việc người tiêu dùng, chủ nhân dữ liệu mới có quyền chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng, đặc biệt là tuân thủ các quy định vừa có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Người tiêu dùng phải ý thức được việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, không cung cấp cho các bên không đáng tin cậy để hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận…

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-hang-mo-no-ro-lieu-trom-de-vieng-tham-tai-khoan-nguoi-dung-d226521.html
Zalo