Ngân hàng hút 'nguồn lực vàng' kiều hối
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính, hiện ngân hàng vẫn là kênh chuyển kiều hối chính tại Việt Nam. Thời gian qua, các nhà băng cũng đang tích cực đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, dịch vụ để tạo thuận lợi hơn cho việc gửi/nhận kiều hối, nhất là trong dịp cận kề Tết Nguyên đán - thời điểm mùa kiều hối sôi động nhất năm.
Thời điểm này, các ngân hàng đang chạy đua khuyến mại để hút kiều hối. Dự kiến, trong năm 2024, kiều hối cả nước sẽ đạt khoảng 19 tỷ USD, là mức cao kỷ lục từng đạt được trong năm 2022. Càng cận kề Tết Nguyên đán, lượng kiều hối đổ về sẽ càng nhiều theo tính chất mùa vụ hàng năm.
Để chuẩn bị cho mùa cao điểm, có thể thấy các ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư về công nghệ, liên kết với các công ty chuyển tiền tại nhiều quốc gia, giúp kiều bào cũng như người Việt Nam lao động tại nước ngoài chuyển tiền về nước thuận lợi. Hiện nay, các ngân hàng cũng đã số hóa hoạt động chi trả kiều hối qua tài khoản ngân hàng, các trung gian thanh toán… Nếu nhận tiền về tài khoản có thể nhận ngay trong 30 phút, nhận tiền tại nhà thì khoảng 6 tiếng đồng hồ. Trong khi trước đây, thời gian thực hiện dịch vụ này kéo dài từ 12-24 tiếng đồng hồ.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đã tạo ra nhiều dịch vụ nhận kiều hối thuận tiện như chuyển đổi từ ngoại tệ sang VND và người nhận có thể rút tại các máy rút tiền tự động hay chuyển vào tài khoản tiết kiệm trực tuyến. Với những yếu tố trên, ngân hàng đang trở thành kênh chuyển kiều hối rất tốt, góp phần hạn chế dòng kiều hối qua các kênh không chính thống và khó kiểm soát.
“Nguồn lực vàng” này sẽ hỗ trợ các ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Phải khẳng định rằng kiều hối là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn của Việt Nam, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc gia. Lượng ngoại tệ này giúp gia tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và củng cố giá trị đồng Việt Nam, qua đó góp phần hỗ trợ và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của NHNN.
Bên cạnh đó, phần lớn kiều hối được chuyển vào tiêu dùng, xây dựng nhà ở, kinh doanh nhỏ lẻ và đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, tài chính và sản xuất. Điều này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở các địa phương có lượng kiều hối lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Tây.
Dòng kiều hối cũng giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, từ đó góp phần giảm áp lực tài chính quốc gia và chi phí trả nợ. Đối với các nước, đặc biệt là quốc gia đang phát triển, kiều hối mang lại những lợi ích tích cực và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Lượng kiều hối đổ về Việt Nam tăng mạnh là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều khó khăn, thách thức trong năm vừa qua. Điều này cho thấy sự tin tưởng của kiều bào ta ở nước ngoài vào tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trong nước, cùng với cơ chế chính sách của Chính phủ, của NHNN về thu hút kiều hối.
Ngoài ra, nhiều chính sách mới cũng là một trong những yếu tố nền tảng để thu hút kiều hối - nguồn lực vàng đổ về Việt Nam. Đơn cử như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai sửa đổi đều có những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất với công dân Việt Nam, kể cả người Việt Nam định cư sinh sống ở nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy tiềm năng rất lớn của việc thu hút kiều hối thời gian tới. Vì vậy, để tăng cường thu hút nguồn lực vàng này, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách đầu tư ngày càng thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính... Điều này sẽ giúp người Việt ta ở nước ngoài an tâm gửi tiền về để hỗ trợ gia đình hay đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đất đai, từ đó tạo ra nguồn lực tốt hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế.