Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, kiến nghị có thêm hướng dẫn cơ cấu nợ

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão số 3, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay và kiến nghị các bộ, ngành có thêm hướng dẫn về cơ cấu nợ.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Luyện đồng Bản Qua, huyện Bát Xát (Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai). Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Luyện đồng Bản Qua, huyện Bát Xát (Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai). Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Tổng quy mô dư nợ được giảm lãi

Ngày 22/9, có thêm nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục công bố chính sách hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão số 3. Đến nay, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng, với tổng số 405.000 tỷ đồng có mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 2%, để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi bão lũ.

Đại diện BIDV cho biết, BIDV đang triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, với quy mô dư nợ áp dụng là 100.000 tỷ đồng. Trong đó, dành 40.000 tỷ đồng cho các khoản vay hiện hữu và triển khai gói tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng cho các khoản vay mới, với mức giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm, tùy mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn.

BIDV quyên góp, ủng hộ trên 30 tỷ đồng để sẻ chia cùng đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

BIDV quyên góp, ủng hộ trên 30 tỷ đồng để sẻ chia cùng đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Từ nay tới hết năm 2024, các khách hàng doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại từ bão lũ đều được VietinBank giảm lãi suất lên đến 2%/năm. Chính sách hỗ trợ này áp dụng cho cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, với quy mô gói hỗ trợ lên đến 100.000 tỷ đồng.

Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank.

Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank.

Theo Vietcombank, qua thống kê sơ bộ, dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 105.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 7% tổng dư nợ toàn ngân hàng), trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp có khoảng 12.900 tỷ đồng. Vietcombank đang giảm lãi suất đến 2% cho tất cả các khách hàng bị thiệt hại nặng nề do bão, không phải chờ khách hàng làm đơn đề nghị. Tổng dư nợ hỗ trợ khoảng 160.000 tỷ đồng.

Trước đó, MSB cũng thông báo giảm 1% lãi suất vay VNĐ và 0,5% lãi suất vay USD đối với khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ bão số 3, để tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh, với quy mô gói tín dụng 1.000 tỷ đồng. Dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới trong thời gian áp dụng chương trình của các nhóm khách hàng trên được áp dụng mức lãi suất giảm 0,5%/năm đối với USD và 1%/năm đối với VNĐ...

Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà.

Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà.

Tổng Giám đốc SHB, bà Ngô Thu Hà cho biết: Ngân hàng tiếp tục rà soát khách hàng bị ảnh hưởng để đưa ra gói hỗ trợ phù hợp với từng ngành nghề sản xuất kinh doanh; đồng thời, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của SHB về khả năng trả nợ của khách hàng...

Cụ thể: SHB triển khai chương trình hỗ trợ giảm bình quân 50% lãi suất khách hàng hiện hữu phải trả từ ngày 1/9 đến 31/12/2024. Đặc biệt với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, tùy theo mức độ, SHB có thể miễn 100% lãi suất phải trả trong thời gian trên. Ước tính số tiền lãi miễn giảm cho khách hàng hơn 30 tỷ đồng...

Ông Trần Minh Đạt, Phó Tổng giám đốc MB chia sẻ chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Ông Trần Minh Đạt, Phó Tổng giám đốc MB chia sẻ chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Để hỗ trợ đối với khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng, MB có chính sách giảm tối đa 2%, nhưng sẽ được phân loại theo mức độ thiệt hại, năng lực tài chính, giảm 0,5 -1% khoản vay ngắn hạn, giảm 1 - 2% khoản vay trung, dài hạn. Chương trình áp dụng đến hết năm 2024. Đối với khoản vay mới, MB sẽ ban hành gói hỗ trợ trị giá 2.000 tỷ đồng, giảm 1% so với lãi suất thông thường và sắp tới bổ sung thêm gói 7.000 tỷ đồng, giảm 1% so với lãi suất thông thường.

Có thêm hướng dẫn về cơ cấu nợ

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank kiến nghị bộ, ngành liên quan cần có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bão lũ; giãn, hoãn nộp thuế giúp khách hàng sớm phục hồi cuộc sống, kinh doanh; cần hỗ trợ về mặt pháp lý để các công ty bất động sản (BĐS) có thể triển khai dự án, tạo dòng tiền, tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội và có dòng tiền trả nợ cho ngân hàng.

“Cơ quan Công an, Tòa án, cơ quan Thi hành án hỗ trợ thu hồi nợ, thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo, ưu tiên giải quyết cho các tổ chức tín dụng (TCTD) để thu hồi, bảo đảm an toàn tín dụng cho ngân hàng, có dòng tiền để tái sản xuất, tài trợ cho hoạt động chung. Đặc biệt, cần xem xét gia hạn Thông tư 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024 đến 30/06/2025; đồng thời, có hướng dẫn thêm về việc TCTD phân bổ lãi phải thu, phải thoái; cho phép xây dựng lộ trình thực hiện đối với điểm b khoản 5 điều 4 về mức trích lập dự phòng cụ thể...", đại diện VPBank kiến nghị.

Cán bộ ngân hàng trao đổi, nắm bắt các thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Cán bộ ngân hàng trao đổi, nắm bắt các thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, NHNN báo cáo Chính phủ xem xét có cơ chế hỗ trợ các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch, xây dựng, thương mại... bị thiệt hại bởi bão số 3, nhưng không thuộc các đối tượng được quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP cũng được hưởng chính sách hỗ trợ khoanh nợ trong trường hợp các đối tượng nông nghiệp nông thôn thuộc Nghị định 55/2015/NĐ-CP được khoanh nợ...

NHNN cũng đang nghiên cứu và sớm trình Chính phủ các vấn đề liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, từ đó làm căn cứ cho việc xây dựng chính sách riêng cho các đối tượng bị thiệt hại do bão số 3, góp phần đảm bảo hành lang pháp lý để các TCTD hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.

Bài, ảnh, clip: Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ngan-hang-giam-lai-suat-cho-vay-kien-nghi-co-them-huong-dan-co-cau-no-20240922152824026.htm
Zalo