Ngân hàng 'co kéo' để giảm thêm lãi suất cho vay
Lãi suất huy động chịu sức ép tăng, song ghi nhận trên thị trường cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay vẫn được ngân hàng giữ ở mức thấp. Thậm chí có nhà băng còn tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục kêu gọi, vận động các ngân hàng thương mại bằng việc cắt giảm chi phí trong hoạt động, cắt giảm một phần lợi nhuận để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn trong thời gian tới.
Lãi suất cho vay đã giảm sâu
Đến thời điểm này, hàng chục ngân hàng - dẫn đầu là nhóm Big 4 đã giảm 0,5-2% lãi suất với khoản vay hiện hữu, tung ra các gói tín dụng ưu đãi mới dành cho khách hàng vùng bão lũ, tiến hành cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Song, sự hỗ trợ này là chưa đủ, thực tế vẫn còn nhiều khách hàng bị “lọt lưới”.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho biết, đến hết tháng 8/2024, MB tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững, trong đó dư nợ tín dụng đạt 685 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 11,15% so với năm 2023; so với bình quân toàn ngành 7,15%). Dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm 65%, giải ngân mới 74 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Về lãi suất, ngân hàng điều hành theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, đồng hành tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, MB đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1,45% so với năm 2023. Hiện, ngân hàng cho vay sản xuất kinh doanh với lãi suất 6,94%, trong khi năm 2023 là 7,88%.
“Trong quý IV/2024, MB sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi với các khách hàng sản xuất kinh doanh có xếp hạng tín dụng tốt, phương án kinh doanh khả thi để hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, quản trị thanh khoản”, ông Thái cho biết.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank chia sẻ, ngân hàng đã không ngừng cải tiến, nâng cấp và ban hành mới các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực ngành nghề nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp nhất cho khách hàng cũng như có thể giải quyết được triệt để những khó khăn do đặc thù riêng trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của khách hàng.
Ngoài ra, thực hiện chính sách giảm phí, lãi vay trên diện rộng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02, tính đến hết 31/8/2024, tổng giá trị nợ gốc mà Techcombank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế là 6.206 tỷ đồng, tổng giá trị nợ lãi đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế là 154 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, lãi suất cho vay của Techcombank có xu hướng giảm dần kể từ cuối năm 2022.
Tính đến 31/8/2024, lãi suất cho vay bình quân của Techcombank ở mức 7,73%, giảm 2,24% so với thời điểm tháng 12/2023. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân khách hàng cá nhân đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh là một trong những lĩnh vực ghi nhận mức giảm nhiều nhất (giảm 2,48% từ mức 10,11% xuống còn 7,63%).
Tương tự, ông Đặng Khắc Vĩ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cũng cho biết, trên cơ sở lãi suất huy động giảm và nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, VIB đã tiến hành giảm lãi suất cho vay mạnh mẽ cho tất cả các phân khúc khách hàng để tăng cường kích thích cả cung và cầu xã hội, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong quý II, VIB đã tung gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở, với lãi suất chỉ 5,9%-6,9%-7,9% cho các kỳ cố định lãi suất lên tới 24 tháng, song song với các chương trình kích thích tín dụng khác ở các mảng cho vay căn hộ, cho vay kinh doanh và cho vay mua ô tô.
Đối với các khách hàng doanh nghiệp, VIB cũng duy trì mức lãi giảm sâu, tập trung vào tài trợ vốn lưu động và tài trợ trung dài hạn cho các doanh nghiệp với mức lãi suất từ 2,9% trở lên.
Ngân hàng muốn kéo dài thời gian cơ cấu nợ
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, trong bối cảnh doanh nghiệp bắt đầu bước vào thời kỳ phục hồi và cần dòng tiền xoay vòng sản xuất, kinh doanh, mặt bằng lãi suất cho vay cần tiếp tục được duy trì ổn định ở mức thấp để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Việc lãi suất huy động liên tục tăng những tháng qua chắc chắn sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, sẽ có độ trễ do nguồn vốn huy động rẻ vẫn còn, nên nếu lãi suất cho vay có tăng cũng sẽ chỉ ở mức mà doanh nghiệp, người dân có thể chấp nhận được.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN, lãi suất cho vay thời gian tới tiếp tục có chiều hướng giảm nhằm đẩy vốn ra nền kinh tế. Tính đến 17/9, tín dụng chỉ tăng 7,38% so với cuối năm 2023, như vậy tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt một nửa so với mục tiêu 15% trong năm nay. Vì thế, các ngân hàng sẽ tích cực giảm thêm lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ, đồng thời góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Ở góc độ ngân hàng, ông Đặng Khắc Vĩ nhận định giảm sâu lãi suất sẽ dẫn đến làm giảm lợi nhuận ngắn hạn của ngân hàng, nhưng đây là bước tạo điều kiện phát triển bền vững cho cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng khi sản xuất kinh doanh được phục hồi trong thời gian tới.
Bên cạnh việc giảm sâu lãi suất, các ngân hàng còn kiến nghị kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Theo phản ánh của các ngân hàng, việc khoanh nợ không đơn giản do thủ tục phức tạp, kéo dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ.
Theo quy định hiện hành (Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2024/TT-NHNN), việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được kéo dài đến ngày 31/12/2024, NHNN đang dự thảo sửa đổi thông tư này. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại kiến nghị, cần đưa ra cơ chế dài hơi hơn cho các trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh, vì trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp cần ít nhất vài năm mới có thể phục hồi.
Về phía ngân hàng, nỗi lo lớn nhất hiện nay là nợ xấu dềnh lên. Dư nợ thiệt hại do bão lũ hơn 100.000 tỷ đồng có nguy cơ biến thành nợ xấu nếu không được cơ cấu nợ. Ngay cả khi được cơ cấu nợ, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng với dư nợ này. Nếu không có cơ chế hỗ trợ từ NHNN, chắc chắn trong năm nay, nhiều ngân hàng sẽ tăng vọt nợ xấu, tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng tới lợi nhuận và an toàn hoạt động.
Trước đó, trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị gia hạn cơ cấu nợ đến hết tháng 6/2025 đối với các khoản vay của khách hàng sản xuất, kinh doanh tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão Yagi.