Ngân hàng Chính sách xã hội Nam Định góp phần đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Những năm qua, Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế, đô thị hóa, và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động của các dự án công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Nam Định đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giải quyết việc làm (GQVL), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn.

Mô hình vay vốn tín dụng chính sách đầu tư nuôi bồ câu Pháp của chị Mai Thị Hiền ở đội 10, xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng) tạo việc làm và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình vay vốn tín dụng chính sách đầu tư nuôi bồ câu Pháp của chị Mai Thị Hiền ở đội 10, xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng) tạo việc làm và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Giai đoạn 2014-2023, Ngân hàng CSXH đã giải ngân hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi: Hỗ trợ vay vốn cho 19.245 lượt khách hàng, với mức vay bình quân 54,3 triệu đồng/lao động, tạo việc làm cho 21.493 lao động, trong đó có 14.693 lao động nữ, 444 người khuyết tật và 1.560 lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Đưa 23.882 lao động đi làm việc tại các thị trường nước ngoài có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, góp phần nâng cao thu nhập và kỹ năng nghề nghiệp; 16 lao động chính sách được vay tổng cộng 794 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ của chương trình GQVL đạt 872,3 tỷ đồng, với 11.763 khách hàng còn dư nợ. Các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH không chỉ hỗ trợ người lao động mà còn tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề, mở rộng cơ hội việc làm trong nước và quốc tế.

Dù đạt được nhiều thành tựu, nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh vẫn vượt xa khả năng đáp ứng. Kết quả khảo sát cho thấy: 99% học sinh, sinh viên tại các trường cao đẳng và trung tâm nghề nghiệp trên địa bàn có nhu cầu vay vốn để học tập, đào tạo nghề hoặc làm việc ở nước ngoài; 97,7% lao động tại các vùng kinh tế động lực mong muốn vay vốn tạo việc làm, đặc biệt là lao động nữ trên 35 tuổi (chiếm 75%). Tuy nhiên, nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm từ Ngân hàng CSXH còn rất hạn chế, mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu vốn của các đối tượng có nhu cầu vay vốn tạo việc làm và chưa có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi để thúc đẩy xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối tượng lao động trẻ, học sinh, sinh viên có nhu cầu đi học tập, làm việc ở nước ngoài để nâng cao trình độ tay nghề, nâng cao thu nhập.

Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai Nghị quyết số 142/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách tín dụng hỗ trợ GQVL giai đoạn 2024-2030. Đây là hành lang pháp lý quan trọng giúp người lao động, học sinh, sinh viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để nâng cao tay nghề, tìm kiếm việc làm có thu nhập cao và ổn định. Theo chính sách mới, Ngân hàng CSXH sẽ triển khai các gói tín dụng ưu đãi với mức vay và thời hạn linh hoạt, trong đó vay đi làm việc, học tập ở nước ngoài: Mức vay tối đa bằng mức quy định cho hộ nghèo (hiện là 6,9%), không yêu cầu bảo đảm tiền vay; vay tạo việc làm trong nước: Mức vay tối đa 100 triệu đồng/lao động, thời hạn vay lên tới 120 tháng, không cần bảo đảm tiền vay. Nguồn vốn thực hiện được đảm bảo từ ngân sách tỉnh ủy thác qua NHCSXH và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 142/2024/NQ-HĐND đảm bảo nhanh chóng lan tỏa vào cuộc sống để người dân nắm bắt, hiểu rõ và tiếp cận vay vốn. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để người lao động, học sinh, sinh viên có nhu cầu vay vốn được tiếp cận vốn nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch. Phấn đấu mỗi năm hỗ trợ đưa 500 người lao động, học sinh, sinh viên đi làm việc, học tập, đào tạo nghề có thời hạn ở nước ngoài (bình quân 50 người/huyện/năm), trong đó ưu tiên lao động, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, thân nhân người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ phải thu hồi đất nông nghiệp. Qua đó, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm ở mức dưới 1,5% trong giai đoạn 2024-2025 và các năm tiếp theo; tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn ở mức trên 90%.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202501/ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-nam-dinh-gop-phan-dao-tao-nghe-giai-quyet-viec-lam-b9536b7/
Zalo