Ngân hàng cấp tập rao bán tài sản để xử lý nợ xấu

Nợ xấu của phần lớn ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng lên tới hai con số, dù các ngân hàng đang cấp tập rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Nợ xấu của phần lớn ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng

Nợ xấu của phần lớn ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng

Nợ xấu đi lên

Sacombank cho biết, đã thu hồi, xử lý được 4.822 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong nửa đầu năm nay, song tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 2%. Vì thế, nhà băng này tiếp tục đẩy mạnh xử lý tài sản, thu hồi nợ xấu.

Trong khi đó, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế riêng MB đạt 13.168 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu toàn tập đoàn được kiểm soát ở mức 1,64%, riêng ngân hàng đạt 1,43%, vẫn tăng hơn 12 điểm % so với đầu năm nay.

Tại thời điểm này, các ngân hàng đang cấp tập rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Tài sản được rao bán không chỉ là đất nền, nhà phố, căn hộ, ô tô, máy móc, thiết bị, mà còn có cả cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai. Đáng chú ý là, sau bão số 3, nợ xấu ngành ngân hàng được cho là còn tăng, do khách hàng bị mất trắng tài sản, nhất là đối với thủy sản…

Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, gần một nửa trong số đó là do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Việc thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo tài chính bán niên của 29 ngân hàng cho thấy, tính tới cuối tháng 6/2024, có tới 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023. Số dư nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng tăng hơn 20% so với cuối năm ngoái.

Phó thống đốc trường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý, mức độ tăng cũng khá cao. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC..., thì lệ nợ xấu khoảng 6,9%.

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, nợ xấu là vấn đề lớn cần quan tâm, bởi đây là hệ quả của cả quá trình. Nhìn chung, đó là những khoản nợ sau 2 năm có dịch Covid-19 và năm 2023 do yếu tố khách quan khó khăn của nền kinh tế, chứ không phải sự yếu kém của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, NHNN cũng sẽ có biện pháp xử lý tích cực hơn, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập để đảm bảo an toàn ngân hàng.

Còn xu hướng tăng

Nợ xấu tiếp tục có xu hướng gia tăng trong bối cảnh ngành ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Các chuyên gia cho rằng, các tín hiệu lạc quan vẫn chưa rõ nét, nhất là khi ngành ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng lớn từ thiệt hại do bão Yagi gây ra.

Theo thống kê sơ bộ của Vietcombank, 34 chi nhánh của nhà băng này chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bão, lũ. Hiện tại, uớc tính có gần 6.000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng, với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng, riêng tại Hải Phòng và Quảng Ninh có 230 khách hàng, với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng. Tại VietinBank, cũng có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3, với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nợ xấu của các ngân hàng tiếp tục có xu hướng gia tăng xuất phát từ 2 lý do chính: nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi nhưng tốc độ chậm, sức khỏe của các doanh nghiệp chưa có sự cải thiện đáng kể. Trung bình mỗi tháng, Việt Nam ghi nhận 15.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trong khi con số này năm ngoái chỉ khoảng 10.000 doanh nghiệp.

Thị trường bất động sản vẫn phục hồi chậm, trong khi 70% tài sản bảo đảm tại các ngân hàng là bất động sản. Khi tính thanh khoản của bất động sản kém, các ngân hàng rất khó xử lý tài sản đảm bảo qua việc phát mãi và phát mãi có thành công thì ngân hàng cũng chịu thiệt hại không ít.

Điều đáng lo ngại hơn là áp lực nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm khi thiệt hại từ bão Yagi để lại cho nền kinh tế rất lớn. Đồng thời, các ngân hàng còn phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thậm chí đưa ra các gói hỗ trợ cho các khách hàng nằm trong vùng bão lũ. Điều này sẽ càng “bào mòn” lợi nhuận của ngành ngân hàng và tiếp tục đẩy nợ xấu gia tăng.

Thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) tại phần lớn các ngân hàng đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái. Tính chung toàn ngành ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 14,2 điểm %, từ mức 98,9% cuối năm ngoái xuống 84,7% vào cuối quý II/2024. Có 23/29 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 6 tháng qua.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, rủi ro khó tránh nếu nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ dự phòng giảm. Lợi nhuận ngân hàng năm nay khó có thể tăng như kỳ vọng, bởi còn phụ thuộc vào thu nhập từ lãi và phi tín dụng, nhưng tín dụng tăng cũng kéo theo xu hướng nợ xấu dần đi lên. Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh thì nợ xấu ngành ngân hàng sẽ quay đầu giảm nhanh.

Vân Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-hang-cap-tap-rao-ban-tai-san-de-xu-ly-no-xau-d225358.html
Zalo