Ngân hàng bứt tốc nửa đầu 2025: Lợi nhuận đồng loạt vượt kỳ vọng

Nửa đầu 2025, một số ngân hàng thương mại ghi nhận lợi nhuận vượt kỳ vọng, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của ngành tài chính và nền kinh tế.

Ngân hàng rầm rộ công bố lợi nhuận đạt cao. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng rầm rộ công bố lợi nhuận đạt cao. (Ảnh: Vietnam+)

Nửa đầu năm 2025 chứng kiến một cú bứt tốc kép của nền kinh tế Việt Nam khi loạt ngân hàng và doanh nghiệp ngành trụ cột đồng loạt công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng. Những con số ấn tượng không chỉ phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực tài chính - doanh nghiệp mà còn cho thấy nền tảng vĩ mô đang dần ổn định trở lại, bất chấp những biến động toàn cầu còn dai dẳng.

Ngân hàng tư nhân bứt phá về cả lượng và chất

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,52%, mức cao nhất trong vòng 15 năm, là minh chứng rõ ràng cho sự phục hồi kinh tế bền vững. Ba động lực chính dẫn dắt tăng trưởng là tiêu dùng nội địa, đầu tư công và cải cách thể chế.

Bên cạnh đó, các thỏa thuận thương mại mới với Mỹ cùng kỳ vọng nâng hạng thị trường từ FTSE Russell đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán. VN-Index đã phục hồi 28% kể từ đáy tháng Tư.

Tăng trưởng tín dụng đạt 9,9%, chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, tín dụng bán lẻ tăng chậm, phản ánh sức mua tiêu dùng chưa thực sự hồi phục bền vững.

Chính vì vậy, nửa đầu năm 2025, đã chứng kiến sự bứt phá đồng đều về lợi nhuận của khối ngân hàng cổ phần tư nhân không chỉ ở quy mô mà còn ở chất lượng tăng trưởng.

Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 2/2025 đạt 7.898 tỷ đồng, tăng 0,92% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong lịch sử, cho thấy hiệu quả hoạt động vượt trội trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều biến động. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Techcombank ghi nhận lợi nhuận đạt 15.135 tỷ đồng.

Tiếp đến là VPBank cũng đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2025 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 11.229 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Riêng trong quý 2/2025, lợi nhuận ở mức 6.215 tỷ đồng, vượt qua kỳ vọng của nhiều công ty chứng khoán.

Như vậy sau 6 tháng, ngân hàng đã thực hiện 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm, đồng thời tiến rất sát mục tiêu tổng tài sản tới cuối năm (1,13 triệu tỷ đồng).

Tiếp đến, LPBank tiếp tục giữ vững phong độ ở mức cao với lợi nhuận 6 tháng đạt 6.164 tỷ đồng, hoàn thành 41,5% kế hoạch năm. Ngân hàng duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,74%, trong khi nguồn thu ngoài lãi chiếm tới 27% tổng thu nhập – phản ánh mô hình tăng trưởng toàn diện.

Trong khi đó TPBank giữ phong độ ổn định với 4.100 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 12% và đã hoàn thành tới 93% kế hoạch tín dụng năm, chủ yếu tập trung vào các mảng có biên lãi ròng cao như bán lẻ, bất động sản kiểm soát rủi ro và tài chính tiêu dùng - một tín hiệu về khả năng kiểm soát và tăng trưởng nhất quán.

Một điểm nhấn đáng chú ý là cú “lội ngược dòng” của Ngân hàng Quốc Dân (NCB). Lợi nhuận vọt từ 6 tỷ đồng lên 462 tỷ đồng, tăng tới 77 lần. Thành công này đến từ chiến lược tái định vị, tập trung vào hoạt động cốt lõi và triển khai mạnh mô hình ngân hàng tài sản số (Digital Wealth), phù hợp với lộ trình cơ cấu lại ngân hàng theo đề án Chính phủ.

Một số ngân hàng đã công bố kết quả tích cực như PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 2/2025 đạt 188 tỷ đồng, tăng hơn 98% so với cùng kỳ năm trước, nhờ mở rộng nguồn thu và giảm chi phí dự phòng rủi ro. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận đạt 284 tỷ đồng, tăng gần 35%.

Nam A Bank cũng có bước bứt phá ngoạn mục khi ghi nhận lợi nhuận 2.500 tỷ đồng (tăng 14%), cùng các chỉ số chất lượng tài sản vượt trội là nợ nhóm 2 chỉ 0,62%, nợ xấu 2,63%, ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) tiệm cận 20%.

Các ngân hàng quốc doanh chưa công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, ban lãnh đạo Agribank cho biết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm đạt cao nhất sau 4 năm triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ năm 2024.

 VietinBank cho biết lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024. (Ảnh: Vietnam+)

VietinBank cho biết lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024. (Ảnh: Vietnam+)

VietinBank cũng cho biết dư nợ tín dụng tăng trưởng ước đạt 10% so với cuối năm 2024; nguồn vốn huy động tăng ước đạt hơn 9% so với cuối năm 2024; lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Vietcombank thông tin đến cuối tháng 6/2025, tín dụng của Vietcombank đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024. Nếu không bao gồm hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ hỗ trợ VCB Neo, mức tăng đạt 7,5%.

Cạnh tranh tín dụng ngày càng khốc liệt

Dù mới có một số nhà băng công bố dữ liệu, song các công ty chứng khoán lớn đều đưa ra đánh giá chung, lợi nhuận toàn ngành ngân hàng nửa đầu năm 2025 đang trên đà khởi sắc rõ rệt.

Theo phân tích của Chứng khoán VPBank (VPBankS), lợi nhuận sau thuế quý II/2025 của 11 ngân hàng đại diện trong ngành ước đạt khoảng 46.740 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Dự báo cả năm 2025, lợi nhuận sau thuế toàn ngành sẽ đạt 239.097 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Mức tăng trưởng tín dụng cả năm dự kiến đạt 16%, cao hơn năm ngoái (15%), nhờ sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản và đà mở rộng kinh tế.

Theo ông Võ Hoàng Hải - Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, các ngân hàng đang chủ động giảm NIM (biên lãi ròng) để duy trì lãi suất thấp, đẩy mạnh giải ngân vốn. Trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngân hàng buộc phải tiết giảm chi phí và cạnh tranh khốc liệt để giữ thị phần, nhất là với nhóm khách hàng chất lượng cao.

Tuy nhiên, khi tín dụng tăng, các ngân hàng sẽ có điều kiện phát triển dịch vụ ngoài lãi như bảo hiểm, thanh toán số, tư vấn tài chính… giúp gia tăng lợi nhuận bền vững trong trung-dài hạn.

Mặc dù bức tranh lợi nhuận 6 tháng đầu năm rực rỡ, nhưng triển vọng cả năm cần được nhìn nhận thận trọng.

 Bài toán đặt ra trong nửa cuối năm không chỉ là duy trì đà tăng trưởng, mà còn là đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát rủi ro. (Ảnh: Vietnam+)

Bài toán đặt ra trong nửa cuối năm không chỉ là duy trì đà tăng trưởng, mà còn là đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát rủi ro. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, lợi nhuận năm 2025 của một số ngân hàng được dự báo tiếp tục tăng, tuy nhiên ở góc độ thận trọng, chi phí tín dụng trong năm nay có thể vẫn giữ ở mức cao và các ngân hàng sẽ tăng cường bộ đệm dự phòng cho giai đoạn tới.

Còn ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank, nhận định bức tranh kinh doanh 2025 của ngành ngân hàng sẽ tích cực, nhưng mức độ phân hóa sẽ rất rõ nét. Những ngân hàng có năng lực phân tích và chiến lược thích ứng tốt sẽ vượt trội, trong khi nhóm còn lại có thể đối mặt với áp lực cạnh tranh và chi phí vốn cao.

Các chuyên gia nhấn mạnh, nửa đầu năm 2025 đánh dấu một giai đoạn tăng trưởng ấn tượng của ngành ngân hàng, trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều biến động, việc hệ thống ngân hàng ghi nhận lợi nhuận vượt kỳ vọng là tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi nội tại.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra trong nửa cuối năm không chỉ là duy trì đà tăng trưởng, mà còn là đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát rủi ro và thích ứng với những biến số vĩ mô vẫn đang tiếp diễn. Đây sẽ là thời điểm bản lĩnh chiến lược và năng lực quản trị rủi ro của từng nhà băng được thể hiện rõ nét nhất./.

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ngan-hang-but-toc-nua-dau-2025-loi-nhuan-dong-loat-vuot-ky-vong-post1051572.vnp
Zalo