Ngăn chặn trục lợi từ chính sách nhà ở xã hội

Chính phủ đang nỗ lực thực hiện chính sách nhằm sớm đạt mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép áp dụng thí điểm một loạt cơ chế, chính sách đặc thù nhằm rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội. Song, để những chính sách này sớm được triển khai và phát huy trong thực tiễn và để nhà ở xã hội đến được đúng đối tượng thụ hưởng, vấn đề đặt ra là cần tháo gỡ những nút thắt và việc trục lợi chính sách.

 Theo ông Hà Quang Hưng, đến thời điểm hiện nay, đã đạt được gần 90.000 căn nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Theo ông Hà Quang Hưng, đến thời điểm hiện nay, đã đạt được gần 90.000 căn nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Loạt chính sách tháo gỡ "nút thắt"

Tại Tọa đàm với chủ đề: "Gỡ nút thắt, ngăn trục lợi chính sách nhà ở xã hội" do Báo Kiểm toán tổ chức ngày 30/6, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, đến thời điểm hiện nay, đã đạt được gần 90.000 căn nhà ở xã hội. Riêng trong 6 tháng đầu năm, tính đến ngày 30/6, đã hoàn thành khoảng 35.000- 36.000 căn nhà ở xã hội.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù nhu cầu cao, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu của Đề án nhà ở xã hội là đến 2030 là hoàn thành ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, kết quả triển khai cũng chưa đạt được như kỳ vọng…

Chỉ thị số 34 của Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu các cơ quan, cấp ủy phải đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. Thực hiện chỉ đạo này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 về việc giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội theo khả năng đến năm 2030.

“Chúng tôi đánh giá việc này sẽ có tác động rất tích cực tới kết quả triển khai phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Bởi như Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ ra, nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất để có thể hoàn thành được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội chính là sự quan tâm và sự vào cuộc của người đứng đầu của các địa phương cũng như các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương”- ông Hưng nói.

 Ông Hà Quang Hưng cho hay, Nghị quyết của Quốc hội có thể nói là một cuộc cách mạng về cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án nhà ở xã hội.

Ông Hà Quang Hưng cho hay, Nghị quyết của Quốc hội có thể nói là một cuộc cách mạng về cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án nhà ở xã hội.

Đặc biệt, Quốc hội đã có Nghị quyết 201/2025/QH15 ngày 29/5/2025 thí điểm một số cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Nghị quyết này đã cắt giảm và có thể nói là một cuộc cách mạng về cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án nhà ở xã hội.

Ví dụ, chúng ta thực hiện lựa chọn chủ đầu tư đồng thời với chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư. Hình thức này sẽ tiết kiệm đến 200 ngày để thực hiện thủ tục hành chính và cái này chỉ tiết kiệm được đến 70% so với quy định hiện hành nếu chúng ta thực hiện theo Luật Nhà ở năm 2023…

“Chúng tôi thấy rằng, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đều rất đồng tình, ủng hộ với nghị quyết này. Việc này sẽ tác động rất tích cực đến việc triển khai Đề án 1 triệu căn ở căn nhà ở xã hội trong thời gian tới”- ông Hưng cho hay.

Tăng cường hậu kiểm, ngăn trục lợi

Liên quan đến vấn đề giá bán nhà ở xã hội, theo ông Hưng cho biết, trong Nghị quyết lần này, Chính phủ trình Quốc hội quyết theo hướng cơ quan quản lý chỉ kiểm soát phần ở đằng sau. Tuy nhiên, để bảo đảm tính công khai, công bằng, minh bạch, chính xác, Nghị quyết yêu cầu chủ đầu tư chủ động theo các phương pháp tính giá bán nhà ở xã hội đã được quy định trong pháp luật, nhưng chủ đầu tư sẽ phải thuê một đơn vị tư vấn có đủ năng lực để thẩm định giá bán này trước khi chủ đầu tư công bố.

Khi đã hoàn thành xong dự án thì chủ đầu tư vẫn phải thuê một đơn vị kiểm toán độc lập đối với các nguồn vốn không phải là nguồn vốn nhà nước và Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán các công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công, gửi kết quả kiểm toán này đến sở xây dựng để sở xây dựng có ý kiến đối với giá bán là đúng hay chưa đúng quy định; đồng thời, có các chế tài nếu chủ đầu tư bán cao hơn, nếu chủ đầu tư bán thấp hơn giá quyết toán thì chủ đầu tư cũng không được thu thêm.

 Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, để ngăn chặn trục lợi, cần có cơ chế và chế tài xử lý thật nghiêm.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, để ngăn chặn trục lợi, cần có cơ chế và chế tài xử lý thật nghiêm.

Ông cho rằng, quy định này sẽ tạo sự linh hoạt cho chủ đầu tư đồng thời giảm áp lực công việc cho các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nhưng vẫn đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho các chủ thể liên quan ở đây là chủ đầu tư cũng như là người mua được tiếp cận sản phẩm với giá bán phù hợp.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các doanh nghiệp đánh giá cao các thay đổi ở quy định mới này, nó tạo nên sự chủ động tốt hơn cho doanh nghiệp bởi họ sẽ tính toán được chi phí, lợi nhuận để xác định giá bán phù hợp. Họ thấy tính phù hợp tốt thì sẽ quyết định tham gia dự án…

Một vấn đề cũng rất nóng trong triển khai chính sách nhà ở xã hội, đó là việc xác định đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Qua công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng đã có không ít trường hợp phải trả lại nhà ở xã hội. Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra có tình trạng nhiều người sở hữu, thuê căn hộ nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định.

Về vấn đề này, ông Hưng cho hay, với bất kỳ một chính sách nào, chúng ta không bảo đảm chính xác 100% được. Hơn nữa, đối với người xây dựng cơ chế chính sách thì chúng ta phải đặt bài toán như thế nào cho nó phù hợp. Nếu chúng ta siết chặt quá việc xác định đối tượng, điều kiện về thu nhập thì việc tuân thủ chính sách này một cách chính xác, không có sai sót trên cả phạm vi cả nước sẽ tạo áp lực rất nhiều tới cả các cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính cũng như người dân trong việc xác nhận các đối tượng, điều kiện này.

Chính vì vậy, chúng ta phải có sự cân bằng giữa việc giảm thiểu các điều kiện cũng như các thủ tục hành chính làm sao dễ nhất song cũng phải bảo đảm sự chính xác nhất.

Cùng với đó, chúng ta vẫn có các cơ chế, chính sách và chính kiểm toán cũng là một trong các phương thức hậu kiểm, hay các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, ví dụ trước đây là các sở của các địa phương, các đoàn kiểm tra, thanh tra của Bộ Xây dựng. Khi đi kiểm tra công tác quản lý nhà nước thì chúng tôi cũng kiểm tra xác suất một số các dự án thì vẫn phát hiện ra và yêu cầu các địa phương chấn chỉnh.

Các quy định của việc xử phạt vi phạm hành chính chúng ta cũng đã có như là phải thu hồi lại các dự án, có chế tài xử phạt chủ đầu tư hay là người dân nếu họ cố tình làm sai.

“Chúng tôi nghĩ rằng là các biện pháp, giải pháp của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục thực hiện theo cái hướng hậu kiểm. Chúng ta cố gắng thiết kế các cơ chế, chính sách một cách công khai, minh bạch, còn việc tuân thủ như thế nào thì chúng ta sẽ tiếp tục xử lý ở phần hậu kiểm”- ông Hưng nói.

Còn ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ, cần quy định rõ hơn về điều kiện thụ hưởng nhà ở xã hội này và đẩy từ tiền kiểm sang hậu kiểm để người lao động và đối tượng được thụ hưởng tự xác định được tiêu chuẩn với quy định đã đặt ra, nếu phù hợp thì mới đăng ký mua. Phải đi kèm với đó là cơ chế, chế tài xử lý thật nghiêm…

Có thể thấy các cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chính sách nhà ở xã hội đã mở ra những hướng đi rất mới có tính đột phá trong thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Để các chính sách này sớm phát huy trong thực tiễn, tạo sự bứt phá trong phát triển nhà ở xã hội, theo ông Đính, cần phải đẩy mạnh việc thay đổi thái độ của chính quyền các địa phương trong việc phát triển nhà ở xã hội, làm thế nào để chúng ta xóa bỏ được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Tôi hy vọng với các chỉ đạo của Chính phủ thì sẽ chấm dứt được tình trạng này.

Đồng thời, cần sớm xây dựng và ban hành Nghị định để thực thi Nghị quyết số 201 của Quốc hội và đặc biệt là sớm hình thành Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia, từ đó bảo đảm tính đồng bộ để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Minh Nhật

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/ngan-chan-truc-loi-tu-chinh-sach-nha-o-xa-hoi-180197.html
Zalo