Ngăn chặn tình trạng trâu chết do tụ huyết trùng cấp tính

Sáng 8/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến nay đã có 29 con trâu trên địa bàn bị chết do bệnh tụ huyết trùng cấp tính tại 3 xã của 2 huyện trên địa bàn. Hiện tại, Sở đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị đồng thời tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Đã có 29 con trâu trên địa bàn bị chết do bệnh tụ huyết trùng cấp tính tại 3 xã của 2 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ảnh tư liệu: Hồ Cầu/TTXVN

Đã có 29 con trâu trên địa bàn bị chết do bệnh tụ huyết trùng cấp tính tại 3 xã của 2 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ảnh tư liệu: Hồ Cầu/TTXVN

Cụ thể, lực lượng chức năng và người dân đã phát hiện có 29 con trâu bị chết tại xã Ba Lòng và xã Triệu Nguyên (huyện Đakrông), xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong). Trước tình hình trên, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị đã cùng cùng với lãnh đạo UBND huyện Đakrông, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đakrông và các lực lượng có liên quan đến nơi phát hiện trâu chết để điều tra, tìm hiểu nguyên nhân.

Qua kiểm tra, nhận thấy trâu chết có các biểu hiện: chướng hơi dạ cỏ, lồi hậu môn, xuất huyến mũi, miệng, hạch hầu sưng, dòi phát triển mạnh, mùi hôi thối nồng nặc… với những triệu chứng trên, nghi ngờ trâu bị tụ huyết trùng cấp tính.

Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương và người dân tổ chức tiêu hủy số trâu chết. Đồng thời, thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Ngay trong ngày 7/2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã lấy mẫu trâu chết tại xã Triệu Ái (huyện Truyện Phong) và xã Ba Lòng (huyện Đakrông) gửi Chi cục Thú y Vùng III xét nghiệm.

Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các hộ dân chăn thả rông trâu, bò cần theo dõi sát sao diễn biến của dịch bệnh. Bên cạnh đó, tiến hành kiểm đếm, tìm kiếm trâu, bò và đem về tại chuồng nuôi hộ gia đình để báo cáo cho UBND các xã và Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện biết triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện thông báo cho nhân dân biết tình hình dịch bệnh, để phối hợp trong công tác phòng dịch. Tiến hành thực hiện yêu cầu các hộ có gia súc phát bệnh phải cam kết nhốt gia súc tại chuồng, không được thả rông ra bên ngoài.

Mặt khác, yêu cầu các địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện Đakrông và Triệu Phong, các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra giám sát, báo cáo diễn biến dịch hằng ngày về Chi cục Chăn nuôi và Thú y, UBND các huyện Triệu Phong và Đakrông để kịp thời chỉ đạo.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai. Chỉ đạo Thú y cơ sở giám sát tình hình dịch bệnh, hỗ trợ cho các chủ chăn nuôi về phòng chống dịch, chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như các phác đồ điều trị.... Đặc biệt, tăng cường phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan cử cán bộ tiếp tục theo dõi đàn trâu, bò chăn thả trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền nhân dân đem trâu, bò thả rông về tại chuồng để triển khai tiêm phòng khẩn cấp, hạn chế dịch bệnh lây lan. Thực hiện thống kê lại đàn trâu, bò hiện có trên địa bàn để triển khai kế hoạch tiêm phòng vụ Xuân năm 2025.

Thanh Thủy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/ngan-chan-tinh-trang-trau-chet-do-tu-huyet-trung-cap-tinh-20250208094547515.htm
Zalo