Ngăn chặn tình trạng lấn chiếm rừng tự nhiên

Mặc dù được sự quan tâm của các cấp, ban ngành nhưng do lợi ích trồng rừng kinh tế khá lớn nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế ngày càng diễn biến khá phức tạp.

 Băng rừng, vượt núi bảo vệ rừng A Lưới

Băng rừng, vượt núi bảo vệ rừng A Lưới

Phần nổi của “tảng băng chìm”

Nhiều năm qua, ngành kiểm lâm đã phát hiện, xử lý hàng trăm vụ phá, lấn chiếm rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất, song số vụ vi phạm được phát hiện, xử lý chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiêm lâm huyện Nam Đông (nay là Phú Lộc) thông tin, tình trạng phá rừng tự nhiên trồng cao su, trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện Nam Đông (cũ) diễn biến phức tạp. Diện tích rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm từ trước đến nay có thể trên 100ha. Một số cán bộ chủ chốt ở địa phương bị xử lý, điều chuyển vì liên quan đến công tác quản lý rừng, nhiều vụ khiếu kiện kéo dài gây mất trật tự tại địa phương.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, ông Hồ Văn Sao cho hay, tại huyện A Lưới, do triển khai thi công nhiều công trình thủy điện như A Lưới, A Lin, A Roàng, các tuyến đường quốc phòng, du lịch như tuyến đường lên mốc biên giới S4, S8, A Bia… làm thu hẹp diện tích đất sản xuất của người dân, đồng thời khiến "lâm tặc" dễ dàng tiếp cận rừng tự nhiên. Vì vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng thời gian qua diễn biến rất phức tạp.

Tại các huyện Phú Lộc, TX. Phong Điền, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng tại các địa phương. Tại huyện Phú Lộc từng xảy ra vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại xã Lộc Thủy. Các đơn vị chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.

Trước nhu cầu trồng rừng của người dân, thời gian qua, ngành kiểm lâm đã rà soát, bàn giao cho các địa phương quản lý hơn 4.000ha đất lâm nghiệp từ các ban quản lý, công ty lâm nghiệp.

Trước tình hình rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên hầu hết các chủ thể quản lý và trải rộng trên tất cả các huyện có rừng tự nhiên, đặc biệt tập trung vào chủ thể là rừng tự nhiên chưa giao cho UBND các xã quản lý và rừng của các đơn vị diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ban ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng này.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng cũng gặp một số khó khăn nhất định. Điển hình tại huyện Nam Đông (cũ), quá trình triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng mất nhiều thời gian do công tác kiểm tra hiện trường với nhiều đối tượng, diện tích vi phạm đều phải đo đạc xác định ranh giới, điều tra thời điểm phá rừng, lấn chiếm rừng… Các đối tượng vi phạm thường không hợp tác, mà đòi hỏi phải sử dụng các chứng cứ mang tính kỹ thuật rất mất thời gian, công sức. Việc mua bán trao tay các diện tích bị lấn chiếm xảy ra khá phổ biến, khó quản lý.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, ông Lê Ngọc Tuấn khẳng định, lấn chiếm và thu hồi đất rừng là hoạt động phức tạp liên quan đến thẩm quyền của nhiều cấp, ngành. Mặt khác, hành vi vi phạm xảy ra trong một thời gian dài không được sự giám sát, cập nhật và theo dõi của cơ quan chức năng dẫn đến “mặc nhiên như sử dụng hợp pháp”. Vì vậy, để lập lại kỷ cương, ngăn chặn hành vi tái diễn trong tương lai là mục tiêu hướng đến của thành phố và ngành kiểm lâm. Trước hành vi chống đối, không hợp tác của các đối tượng lấn chiếm, các đơn vị, địa phương phải kiên quyết tổ chức cưỡng chế.

Điển hình như tại huyện Phú Lộc, thời gian qua có nhiều đối tượng vi phạm lấn chiếm, cơ quan chức năng tiến hành thu hồi và trả lại cho cộng đồng và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân gần 3ha. Hoặc vụ cưỡng chế ông Phan Văn Ca ở xã Lộc Thủy đã có hành vi phá rừng, chiếm đất rừng bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng và buộc khôi phục tình trạng rừng. Tuy nhiên, đối tượng không chấp hành nên cơ quan chức năng phải tổ chức cưỡng chế.

Tại xã Bình Thành (TX. Hương Trà), có đến 67 người dân lấn chiếm 39,3ha đất của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Thủy và bị xử lý, xử phạt theo quy định, nhưng các đối tượng vẫn cố tình không chấp hành buộc cơ quan chức năng phải ra quyết định cưỡng chế thu hồi để trả lại cho đơn vị quản lý.

Trong bối cảnh hiệu quả xử lý hành chính chưa cao, khó thu hồi đất, tỷ lệ thu nộp tiền xử phạt hành chính thấp thì việc xử lý hình sự đối với hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng khi có đủ cơ sở có tác dụng răn đe cao. Các huyện, thị xã và TP. Huế (cũ) đã quyết liệt cùng với ban ngành chức năng tổ chức điều tra, xác minh, xử lý hình sự hàng chục vụ vi phạm.

Tại TP. Huế (cũ) từng xử lý hình sự một vụ với diện tích lấn chiếm gần 0,3ha rừng đặc dụng, phạt 18 tháng tù và buộc bồi thường thiệt hại 40 triệu đồng. Tại huyện Phú Lộc cũng đã xử lý hình sự 2 vụ với 4 đối tượng lấn chiếm hơn 2ha, tổng án phạt 123 tháng tù với tất cả các đối tượng vi phạm. Tại các huyện Nam Đông (cũ), TX. Phong Điền, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy có trên 10 vụ bị xử phạt tù do phá rừng, lấn chiếm rừng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, qua rà soát hàng chục ngàn ha rừng, đến nay các đơn vị đã xác định hơn 4.000ha bị lấn chiếm. Mặc dù đã và đang xử lý, thu hồi nhưng tình trạng lấn chiếm rừng vẫn còn diễn biến phức tạp. Diện tích rà soát tập trung vào các vùng trọng điểm, nhưng vùng giáp ranh với rừng trồng của người dân có nguy cơ lấn chiếm cao… Ngành kiểm lâm đang triển khai các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức người dân, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng triển khai quản lý, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm rừng trên địa bàn thành phố một cách hiệu quả. Các địa phương lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ các mô hình sinh kế bền vững cho người dân sống ven rừng nhằm hạn chế phụ thuộc vào rừng, hướng đến quản lý rừng bền vững.

Bài, ảnh: Thế Trí

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/ban-doc/ngan-chan-tinh-trang-lan-chiem-rung-tu-nhien-150004.html
Zalo