Ngăn chặn thuốc giả lưu hành trên thị trường: Chú trọng phối hợp thông tin, kịp thời phát hiện vi phạm
Thời gian gần đây, xuất hiện một số đường dây sản xuất, buôn bán, tàng trữ và lưu hành trái phép thuốc giả trên thị trường. Việc ngăn chặn kinh doanh thuốc giả cần có sự phối hợp, vào cuộc của các ngành chức năng nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Thuốc giả vẫn lưu hành
Qua công tác kiểm tra, cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp đã phát hiện, xác thực các hành vi có liên quan đến việc lưu hành thuốc giả. Điển hình qua rà soát, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Vidipha đã phát hiện thuốc giả, thuốc nhái nhãn hiệu công ty với thuốc Cefuroxim 500mg, hộp 10 vỉ x10 viên/vỉ, số đăng ký VD-31978-19.
Dưới hình thức xét nghiệm nhanh, công ty phát hiện 1 nhà thuốc và 1 cơ sở bán lẻ thuốc có lưu hành thuốc giả Cefuroxim. Đó là Nhà thuốc tây Mai Minh Châu và Cơ sở bán lẻ thuốc dược liệu cổ truyền Hồng Thắm tại phường Tân Phước Khánh, TP.Tân Uyên.
Trước đó, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng nhận được báo cáo về việc mẫu sản phẩm viên nén bao phim Cefuroxim không có phản ứng định tính. Thuốc Cefuroxim giả là viên thuốc không có lớp bao phim bóng, có bột vụn, nếu dùng móng tay cào nhẹ, bề mặt viên thuốc nhám, cạnh hay sứt mẻ. Thuốc thật Cefuroxim nếu dùng tay cào nhẹ trên bề mặt viên thuốc có lớp bao phim bóng, không có bột vụn, cạnh viên thuốc nhẵn, sắc nét, không sứt mẻ.
Bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, cho biết thuốc Cefixim là thuốc kháng sinh phổ biến trong điều trị nhiễm khuẩn như nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm họng do vi khuẩn, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm xoang. Bệnh nhân dùng thuốc giả Cefixim sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn, khó khăn trong điều trị. Đặc biệt, sử dụng thuốc giả gây nhiều hệ lụy sức khỏe, gây độc cho gan, thận hoặc dị ứng, thậm chí có thể gây sốc phản vệ. “Người dân cần cảnh giác với thuốc giả, thuốc nhái, nhất là với những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc”, bác sĩ Dương Tấn Tài khuyến cáo.
Cần sự phối hợp nhiều phía
Thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều công văn thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường. Theo ngành y tế, thủ đoạn và tính chất của những vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả hết sức tinh vi, khó phát hiện như sử dụng kỹ thuật công nghệ cao để sản xuất, in ấn mẫu bao bì giống hệt với thuốc thật nên rất khó phát hiện và thường được cất giấu, ngụy trang kỹ lưỡng. Rất ít doanh nghiệp khi phát hiện thuốc giả nhái nhãn mác của đơn vị mình mà chủ động thông báo cho cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý kịp thời vì sợ ảnh hưởng đến uy tín. Tuy nhiên, vấn đề xử lý các thông tin về thuốc giả còn chậm, chưa thiết lập được cơ chế thông tin giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo ngành y tế tỉnh, việc ngăn chặn kinh doanh thuốc giả cần có sự phối hợp, sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh, đặc biệt cơ quan quản lý thị trường, quản lý chặt các cửa hàng kinh doanh dược phẩm bằng hóa đơn, khi phát hiện hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ yêu cầu hủy sản phẩm. Song song đó, các doanh nghiệp ngành dược cần vào cuộc để có chính sách giá phù hợp nhằm giảm nguy cơ thuốc nhập lậu.
Ngành y tế tỉnh tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng; phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn; điều tra, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc thuốc giả, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.
Theo bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, người bệnh sử dụng kháng sinh kém chất lượng có hàm lượng hoạt chất thấp sẽ khiến bệnh tình nặng thêm, gây khó khăn cho công tác điều trị sau này. Nguy hiểm hơn, có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, người bệnh dùng dễ bị tai biến như trường hợp thuốc đông dược giả trộn thuốc corticoid gây các tai biến trầm trọng hoặc gây chết người.