Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát dịp Tết

Tết cận kề, nhu cầu đi lại và giao lưu của người dân tăng cao, làm gia tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Để đón một cái Tết an lành, việc chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân.

Số ca mắc sởi gia tăng tại nhiều địa phương. (Bệnh nhi điều trị sởi tại Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn - Ảnh: Hoài Giang)

Số ca mắc sởi gia tăng tại nhiều địa phương. (Bệnh nhi điều trị sởi tại Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn - Ảnh: Hoài Giang)

Bệnh sởi vẫn đang diễn biến “nóng”

Tại Hội nghị Tổng kết công tác Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và triển khai Kế hoạch năm 2025, Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch bệnh trên cả nước năm 2024 cơ bản được kiểm soát. Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng và sốt rét đã giảm mạnh so với năm 2023. Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nguy hiểm như Ebola, MERS-CoV hay cúm A/H7N9 xâm nhập. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, dại, sốt xuất huyết, bạch hầu vẫn gia tăng cục bộ tại một số địa phương.

Đơn cử tại Hà Nội, mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội thông tin, trong tuần từ ngày 27/12/2024 đến ngày 3/1/2025, toàn thành phố ghi nhận 101 trường hợp mắc sởi tại 28 quận, huyện, thị xã. Con số này tăng 25 ca so với tuần trước và chiếm gần bằng 1/4 tổng số ca mắc sởi trong cả năm 2024. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao hơn so với tuần trước, cho thấy dịch bệnh đang có xu hướng lây lan nhanh chóng, chủ yếu ở những người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, số ca mắc sởi sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi - những đối tượng có nguy cơ cao nhất.

Cùng thời điểm, Hà Nội ghi nhận 55 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 9 trường hợp mắc tay - chân - miệng và 1 trường hợp mắc uốn ván. Đáng mừng là so với tuần trước, số ca mắc sốt xuất huyết và tay - chân - miệng đã giảm đáng kể và không xuất hiện ổ dịch mới. Bên cạnh đó, các dịch bệnh khác như: ho gà, liên cầu lợn, não mô cầu, COVID-19... không ghi nhận trong tuần.

Có thể thấy, tại Hà Nội, bệnh sởi vẫn đang diễn biến “nóng” dù đã có nhiều biện pháp kiểm soát. Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều địa phương khác trên cả nước như TP HCM, Cần Thơ... Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng và bùng phát bệnh sởi tại Việt Nam bao gồm tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, khiến tỷ lệ tiêm chủng vaccine giảm mạnh trên toàn cầu. Ngoài ra, hiệu quả truyền thông chưa đạt yêu cầu, chưa tiếp cận đủ sâu vào các nhóm nguy cơ cao; người dân chủ quan không tiêm phòng cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng.

Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán và các lễ hội Xuân đang tới gần, với nhiều hoạt động thăm hỏi, vui chơi giải trí, tụ họp đông người..., bệnh sởi được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao hoặc điều kiện y tế hạn chế, khả năng sởi bùng phát rất lớn và có thể gây áp lực lên hệ thống y tế. Bên cạnh đó, với các dịch bệnh khác, dù số ca mắc hiện nay đã giảm nhưng trong dịp lễ, Tết vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát.

Các chuyên gia y tế nhận định việc đi lại, giao lưu của người dân trong dịp cận Tết làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chưa kể, hiện nay nhiều dịch bệnh vẫn đang có xu hướng gia tăng, trong khi chưa có các quy định bắt buộc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch. Vì vậy, người dân cần chủ động tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Thời gian qua, Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, xã hội; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp cùng ngành Y tế, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, đoàn thể, cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Cộng đồng chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh lây lan, bùng phát, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025; kịp thời ngăn chặn các nguy cơ dịch bệnh.

Tại Hà Nội, trong tuần này, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện kịp thời các ca bệnh tại cơ sở y tế được phân cấp và trong cộng đồng. Các trường hợp nghi ngờ sẽ được điều tra kịp thời, xử lý ca bệnh, ổ dịch triệt để theo đúng quy định, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. CDC Hà Nội cũng triển khai hoạt động giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.

Cùng với đó, tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine phòng sởi của trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố chưa tiêm chủng đủ mũi để tổ chức tiêm bổ sung. Các hoạt động truyền thông hưởng ứng “Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024” cũng được triển khai rộng rãi trên địa bàn theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội. Song song với việc cập nhật thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, CDC Hà Nội còn đẩy mạnh công tác truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tiêm chủng chủ động, đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine, nhằm phòng ngừa hiệu quả các bệnh truyền nhiễm phổ biến trong mùa đông xuân.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ngan-chan-nguy-co-dich-benh-lay-lan-bung-phat-dip-tet-post537043.html
Zalo