Ngăn chặn hiểm họa khôn lường từ pháo nổ tự chế
Dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về mối hiểm họa khôn lường từ pháo nổ tự chế, song vì thiếu hiểu biết, các vụ tai nạn đau lòng vẫn xảy ra ở một số tỉnh, thành trong cả nước.
Thương vong vì pháo nổ tự chế
Vào lúc 14h30' ngày 23/12/2024, tại nhà ông P.P.Đ. ở xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên (Tây Ninh) xảy ra một vụ nổ thương tâm. Theo cơ quan công an, nguyên nhân của vụ nổ là do nhóm thanh, thiếu niên mua thuốc pháo qua mạng về tự chế lại. Hậu quả của vụ nổ đã khiến 1 người chết và 5 người bị thương nặng...
Một vụ việc khác liên quan đến pháo nổ tự chế xảy ra tại một đám cưới trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Cụ thể, tối 19/1/2024, Trịnh Xuân C. đi đám cưới và mang theo 4 quả pháo nổ tự chế. Tại đám cưới, C. gặp Lê Xuân A. và cả hai ngồi ăn tiệc cùng bàn với nhau. Sau tiệc, C. và A. cùng nhóm thanh niên lên khu vực sân khấu nhảy múa, giao lưu văn nghệ. Sau đó, C. đốt 2 quả pháo ngay trong rạp đám cưới nhưng chỉ có một quả phát nổ, quả còn lại không phát nổ. 5 phút sau, C. ra ngoài đứng ở cổng trước đám cưới và tiếp tục đốt quả pháo thứ 3 rồi vứt xuống đường song quả pháo cũng không nổ. C. tiếp tục lấy quả pháo thứ 4 ra đốt rồi lại vứt xuống đường. Tuy nhiên, pháo tiếp tục không nổ và cũng không ra khói. Lúc này, A. đang đi từ trong đám cưới ra ngoài liền đi lại gần nhặt quả pháo lên kiểm tra thì phát hiện pháo chỉ mới cháy một đoạn dây cháy chậm. A. tuốt lại dây cháy chậm, cầm bật lửa châm ngòi rồi vứt quả pháo xuống ngay cổng và dùng chân đá quả pháo vào trong rạp đám cưới nơi đang có nhiều người. Pháo nổ khiến 3 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương ở mắt phải, tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 36%. Sau đó, Lê Xuân A. bị xử phạt 21 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích”; Trịnh Xuân C. phải nhận mức phạt 9 tháng tù treo vì tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Tự chế pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật
Tự chế pháo nổ, sử dụng pháo nổ trái phép không chỉ là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Các lực lượng chức năng đã tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật về việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng pháo để người dân nhận thức rõ trách nhiệm, sự nguy hiểm do pháo nổ gây ra. Song, nhiều người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật, vì tò mò mà tự chế pháo nổ, xem pháo nổ như một trò tiêu khiển nên bất chấp các quy định của pháp luật để sử dụng pháo nổ trái phép, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường.
Theo luật sư Vũ Văn Trà, Công ty Luật TNHH Sơn Trà thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo; Nghị định số 56/2023/NĐ-CP, ngày 24/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP. Một số nội dung quan trọng cần lưu ý như, người dân từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự được mua và sử dụng pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất tại các địa điểm kinh doanh hợp pháp. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ pháo hoa và pháo hoa nổ (tất cả các loại pháo có hiệu ứng màu sắc trong không gian, gây ra tiếng rít, tiếng nổ được gọi là pháo hoa nổ (tức chính là pháo nổ); pháo hoa chỉ có hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ).
Luật sư Vũ Văn Trà nhấn mạnh: Các trường hợp sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ đều là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Chế tài xử lý các hành vi vi phạm về pháo đã được quy định đầy đủ, rõ ràng và nghiêm khắc trong các văn bản pháp luật. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về pháo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính. Mức xử phạt hành chính đối với từng hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Trong một số trường hợp cụ thể, cơ quan chức năng còn có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với khung hình phạt thấp nhất từ 1 - 5 năm tù đối với người có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; cao nhất có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.