Ngăn chặn hành vi giả mạo nhãn hiệu sản phẩm trong kinh doanh
Những năm gần đây, tình trạng kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có dấu hiệu sản phẩm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế hành vi vi phạm, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý 426 vụ vi phạm, trong đó lĩnh vực kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là 16 vụ. Các vụ vi phạm chủ yếu là giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu lớn.
Thành phố Việt Trì là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, KHKT của tỉnh, có hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, đây cũng là cơ hội để các đối tượng dễ dàng trà trộn, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sản phẩm. Ông Luyện Việt Hùng - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 cho biết: Các mặt hàng hóa có nguy cơ bị làm giả mạo nhãn hiệu chủ yếu thuộc nhóm hàng có nhu cầu sử dụng lớn như: May mặc, giày dép, mũ, túi xách, mỹ phẩm của các thương hiệu lớn Gucci, Chanel, Adidas, Nike, Apple... đặc biệt là hình thức bán hàng trực tuyến nên rất khó kiểm soát. Các đối tượng kinh doanh thường lợi dụng vào tâm lý của người tiêu dùng thích những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, mẫu mã đẹp mà giá thành rẻ.
Trước thực trạng trên, Đội QLTT số 1 đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi kinh doanh hàng giả nhãn hiệu sản phẩm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường, Đội đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu kinh doanh hàng cấm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ tính riêng nhãn hiệu HERMÈS từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý 4 cơ sở kinh doanh trưng bày hàng hóa giả mạo nhãn hiệu HERMÈS trên địa bàn thành phố Việt Trì.
Việc tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các vụ việc về hàng giả mạo nhãn hiệu sản phẩm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ quan trọng được triển khai xuyên suốt trên tất cả các khu vực từ thành thị tới nông thôn trong tỉnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tình trạng kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sản phẩm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tồn tại trên thị trường, mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử cũng kéo theo những vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng giả mạo nhãn hiệu trên môi trường số. Nguyên nhân chính là do nhiều người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được đầy đủ hậu quả của việc kinh doanh cũng như sử dụng hàng giả mạo nhãn hiệu sản phẩm. Một bộ phận người dân có tâm lý thích dùng “hàng hiệu” trong khi thu nhập hạn chế nên tìm mua sản phẩm giả khiến tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có điều kiện phát triển...
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống kinh doanh, tiêu thụ hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Cục QLTT - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT và của tỉnh; yêu cầu các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng nắm bắt, hiểu biết hơn về các quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm, tái phạm về kinh doanh hàng giả mạo sản phẩm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kịp thời răn đe các đối tượng kinh doanh vi phạm pháp luật, góp phần thay đổi thói quen, tâm lý mua sắm, sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng.