Ngăn chặn bẫy thú trong các khu bảo tồn rừng ở Quảng Trị

Để bảo vệ loài thú hoang dã trước nguy cơ bị săn bắt, Đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy của các Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) phải ngày đêm len lỏi dưới những cánh rừng rậm rịt để tháo gỡ bẫy thú được thợ săn giăng mắc.

Lực lượng Đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã tìm kiếm tháo gỡ được hàng trăm bẫy thú rừng.

Lực lượng Đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã tìm kiếm tháo gỡ được hàng trăm bẫy thú rừng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có diện tích khoảng 23.500ha, thuộc địa bàn của 5 xã: Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Sơn và Hướng Linh (huyện Hướng Hóa). Trong khu bảo tồn, nhiều khu vực có độ đa dạng sinh học cao và các khu rừng nguyên sinh ít tác động, nhiều loại động vật hoang dã sinh sống, do đó có tình trạng người dân đặt bẫy để săn bắt thú.

Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cho biết, từ sự hỗ trợ của Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), Đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã được thành lập từ tháng 10/2023 với 5 thành viên. Từ đó đến nay, bình quân mỗi tháng, Đội tổ chức 3 chuyến tuần tra, với mỗi chuyến khoảng 7 ngày.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy đã tổ chức 37 đợt tuần tra, tháo gỡ hơn 400 bẫy động vật rừng. Loại bẫy thường được đặt trong khu bảo tồn là thòng lọng bằng dây cáp tự chế hoặc dây phanh xe máy, xe đạp và bẫy kẹp bằng kim loại. Những loại bẫy này nhắm đến loài động vật hoạt động dưới mặt đất như các loài chồn, cầy, các loài thú móng guốc lớn như lợn rừng, sơn dương. Số bẫy sau phát hiện, tháo gỡ được thu gom, tiêu hủy và báo cáo theo quy định.

Theo ông Hoan, khu bảo tồn đã nỗ lực tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; tập trung nhân lực kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở chỗ tìm và phá bỏ, tiêu hủy bẫy thú. Còn để xác định đối tượng đặt bẫy và xử lý theo pháp luật thì gặp rất nhiều khó khăn. Đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sinh sống ở các vùng đệm của khu bảo tồn cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã.

Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có diện tích tự nhiên hơn 37.000 ha nằm trên địa bàn 7 xã gồm Đakrông, Triệu Nguyên, Ba Lòng, Húc Nghì, Ba Nang, Tà Long và A Bung (huyện Đakrông). Khu bảo tồn này đa dạng sinh học khá phong phú với gần 1.500 loài thực vật bậc cao cùng 91 loài thú, 193 loài chim, 49 loài bò sát ếch nhái và 72 loài cá, luôn bị các đối tượng xâm hại, lén lút săn bắn, bẫy thú rừng.

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đánh giá, tình trạng săn bắn và bẫy động vật hoang dã ở khu bảo tồn là một thách thức đáng lo ngại.

Ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông cho biết, nhằm khắc phục tình trạng xâm hại rừng, thời gian qua, Ban và Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã phối hợp thực hiện nhiều biện pháp và giải pháp hiệu quả, trong đó tăng cường tuần tra và truy quét các đối tượng xâm nhập rừng và bẫy bắt động vật hoang dã trái phép là ưu tiên hàng đầu.

Từ tháng 10/2023 đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh (VFBC), Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã thành lập được ba đội tháo gỡ bẫy chuyên nghiệp dựa vào cộng đồng với 15 thành viên, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, kỹ năng tuần tra hiện trường, hoạt động song hành với ba trạm kiểm lâm và 16 tổ nhận khoán bảo vệ rừng; góp phần quan trọng trong bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ bị săn bắn và cài bẫy.

Sau hơn một năm, các đội tuần tra đã tổ chức gần 153 đợt, 278 ngày tuần tra đã phát hiện và tháo gỡ trên 5.000 bẫy động vật rừng, thu giữ 1 khẩu súng tự chế, phá hủy 64 lán trại trái phép trong phạm vi quản lý của đơn vị.

Để bảo vệ động vật hoang dã, ngoài việc tuần tra, tháo dỡ bẫy thú, Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông còn tăng cường tuyên truyền vận động người dân sinh sống ở các vùng đệm của khu bảo tồn cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã thông qua các hội nghị, hội thảo, họp thôn, tuyên truyền lưu động. Đồng thời, các lực lượng nâng cao nhận thức cộng đồng, tương tác trên nhiều phương tiện truyền thông, mạng xã hội để khuyến khích sự tham gia của người dân, hỗ trợ của cộng đồng trong ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã kết hợp với việc tuyên truyền giảm nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm từ động vật hoang dã, ngừng ăn thịt thú rừng.

Bài và ảnh: Nguyên Linh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ngan-chan-bay-thu-trong-cac-khu-bao-ton-rung-o-quang-tri-20240930195408673.htm
Zalo