Ngẫm suy miền 'Gió Lào, Cát Trắng' - Kỳ 3: Nụ cười Thành Cổ
Đến Thành Cổ Quảng Trị - biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khát vọng tự do, độc lập - trong tôi dâng trào niềm cảm xúc về một thời hoa lửa với 81 ngày đêm chiến đấu gian khổ nhưng cũng đầy lạc quan của 'những tuổi đôi mươi hóa thành sóng nước'.
Bâng khuâng đi giữa Thành cổ trong giai điệu âm vang của bài Cỏ non Thành cổ được nhạc sỹ Tân Huyền viết năm 1990, rằng “Cho tôi hôm nay vào Thành cổ, thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh...”, tôi đặc biệt xúc động trước bức tượng “Nụ cười” của nhà điêu khắc Vương Duy Biên.

Dương Văn Khánh cùng bạn đồng hành giương cao lá cờ Tổ quốc trước Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: Như Ý
Bằng những hình khối vững chãi, đường nét mạnh mẽ, tác giả thể hiện hình tượng người lính ngồi bó gối, súng gác lên vai, nổi bật là nụ cười đầy lạc quan, hoàn toàn trái ngược với bối cảnh khốc liệt của “mùa hè đỏ lửa”. Theo tác giả, ông muốn đưa ra cái nhìn mới về niềm tin chiến thắng, khi cái chết cận kề, những người chiến sĩ năm ấy vẫn tin tưởng vào thắng lợi sau cùng, nở nụ cười để tiếp tục chiến đấu.
Chắc hẳn nhà điêu khắc Vương Duy Biên đã tìm thấy cảm hứng từ bức ảnh huyền thoại của nhà báo chiến trường Đoàn Công Tính. Chính vào những ngày ác liệt nhất ở Thành Cổ, ông đã chụp được khoảnh khắc chiến sỹ Lê Xuân Chinh cùng các đồng đội cười rạng rỡ bên những bức tường đổ nát. Nụ cười của họ ánh lên sự vô tư của tuổi trẻ, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng bởi trên vai là Tổ quốc.

Tác phẩm “Nụ cười” trong khuôn viên Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: Thanh Hải
“Lúc ấy bọn tôi chỉ nghĩ đơn giản, sống chết có số cả, cứ cười cho khí thế, có khi chụp xong lát nữa hy sinh hết, ít nhất cũng có bức hình đăng báo để ở nhà biết đang chiến đấu”, người chiến sỹ năm xưa Lê Xuân Chinh thuật lại khi đã ở tuổi thất tuần.
Vậy đấy, một thế hệ ưu tú của đất nước sẵn sàng bỏ lại sau lưng bến nước con đò, người thương cùng giấc mơ giảng đường, vượt sông Thạch Hãn tiến vào Thành Cổ không màng sống chết, cuối cùng viết nên thiên hùng ca sáng chói với 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt, ngăn bước quân thù.

Dòng người viếng các anh hùng liệt sĩ chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành Cổ. Ảnh: Như Ý
Tại sao lại là Thành Cổ? Để trả lời câu hỏi này cần ngược dòng lịch sử về năm 1968, khi quân ta mở Chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh, nơi được Mỹ coi là tấm bình phong che chắn cho khu vực phòng thủ ở phía Đông đường 9, đồng thời là bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ. Sau 177 ngày đêm liên tục tiến công, vây hãm, quân ta loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 địch quân cùng hàng trăm máy bay, buộc Mỹ ngụy phải tháo chạy trong nhục nhã.
Có mặt tại sân bay Tà Cơn, căn cứ điểm quân sự chiến lược của Mỹ tại chiến trường Khe Sanh, tôi may mắn gặp cụ Nguyễn Sỹ Phơ. Là cựu chiến binh, cụ đưa con cháu đến chiến trường xưa nhằm ôn lại một chương hào hùng của dân tộc và hun đúc tinh thần cách mạng.
“Các chiến sĩ hy sinh đã để lại bài học về lòng quả cảm, chủ nghĩa yêu nước và truyền thống anh hùng cách mạng, khiến thế hệ sau thêm kính trọng, biết ơn lớp lớp cha anh đi trước, nguyện tiếp nối truyền thống quý báu ấy của dân tộc”.
Bạn trẻ Dương Văn Khánh
Đứng cạnh chiếc không lực C-130 trứ danh bị Mỹ bỏ lại Tà Cơn, cụ Phơ nhấn mạnh rằng chiến thắng Đường 9-Khe Sanh là mốc son trong nghệ thuật chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta. “Quân ta lựa chọn chính xác khu vực, mục tiêu, sau đó sử dụng lực lượng bao vây, chia cắt hợp lý, đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật để kết thúc thắng lợi”, người lính năm xưa nói.
Theo cụ, chiến thắng Đường 9-Khe Sanh góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cũng như ép chính quyền Mỹ phải xuống thang, ngồi vào đàm phán ở Paris. Từ đây, quân ta tiến đến những chiến thắng chiến lược tiếp theo, bao gồm giải phóng Quảng Trị vào đầu tháng 5/1972.
Năm ấy, cụ Phơ là bộ đội địa phương huyện Gio Linh phối hợp với quân chủ lực đánh bật lực lượng đối kháng khỏi Quảng Trị. Sau đó, lại tiếp tục chiến đấu ngoan cường trước cuộc phản kích của địch nhằm tái chiếm Quảng Trị trước khi Hội nghị Paris nhóm họp trở lại. Chúng huy động lực lượng mạnh nhất, kết hợp đủ loại bom, chất độc hóa học, đồng thời ném xuống Quảng Trị 320 nghìn tấn bom, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử khiến “một viên gạch cũng không còn nguyên vẹn”.
Trong 81 ngày đêm, lớp lớp quân ta vượt dòng Thạch Hãn quyết giữ Thành Cổ, thành công với mục tiêu làm thất bại ý đồ nhanh chóng “tái chiếm Thành Cổ” của Mỹ ngụy, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh chính trị, ngoại giao. Dưới mưa bom bão đạn trên đầu, nước xoáy mưa dầm phía dưới, những chiến sỹ trung kiên vẫn một lòng chiến đấu, với niềm tin vào ngày thống nhất non sông. Họ chấp nhận “tuổi hai mươi hóa thành sóng nước”, máu xương trộn lẫn từng tấc đất mà họ chiến đấu để bảo vệ, cho hôm nay cỏ mãi lên xanh, một màu xanh non tơ nơi Thành cổ.
Trong cuốn “Được sống và kể lại”, chiến sỹ thông tin chiến đấu ở mặt trận Thành cổ Trần Luân Tín viết rằng “dù thế gian có nhộn nhạo đến đâu, những người lính nằm xuống muôn năm thương nhớ quê hương, muôn năm là linh hồn của dân tộc này”. Trở thành nhà điêu khắc, ông đã làm nên tác phẩm “Bất tử” dựng trong khuôn viên Thành Cổ, với hình tượng người lính trẻ tuổi vượt lên trên bom đạn sẽ luôn sống mãi.
Cách đó không xa là cụm tượng “Chiến sĩ vô danh” của Phan Trọng Vân, thể hiện những người còn hiện hữu cúi đầu trước vong linh những anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống trong cuộc giải phóng đất nước. “Sóng sông Thạch Hãn” của Mai Thu Vân lại theo cách thể hiện khác, thông qua nghệ thuật sắp đặt với các phiến đá như những ngôi mộ tạo thành sóng nước, nơi an nghỉ vĩnh hằng của chiến sĩ Thành Cổ anh hùng…
Còn nhiều, rất nhiều các tác phẩm nữa trong vườn tượng Thành Cổ, nhắc nhở thế hệ mai sau về trận chiến khốc liệt bậc nhất nhưng cũng đầy hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến tranh đã lùi xa và đau thương cũng dần nguôi, nhưng chúng ta không được phép quên đi quá khứ.
“Các chiến sỹ hy sinh đã để lại bài học về lòng quả cảm, chủ nghĩa yêu nước và truyền thống anh hùng cách mạng, khiến thế hệ sau thêm kính trọng, biết ơn lớp lớp cha anh đi trước, nguyện tiếp nối truyền thống quý báu ấy của dân tộc”, bạn Dương Văn Khánh nói với tôi trước cổng Thành Cổ.
Khánh vừa tốt nghiệp đại học. Trước khi đi làm, cậu quyết định thực hiện hành trình về nguồn, đi qua các địa danh dọc Việt Nam bằng xe máy. Gặp tôi ở Quảng Trị, Khánh hào hứng chia sẻ, rằng mỗi nơi đi qua cậu lại thêm tự hào về đất nước mình, và đây sẽ là hành trang quan trọng để bước vào đời.
Tạm biệt tôi để tiếp tục hành trình, Khánh nở nụ cười rạng rỡ. Giống như “nụ cười Thành Cổ”, đó là nụ cười đầy lạc quan của những người trẻ, yêu quê hương và đầy khát vọng.