Ngạc nhiên du lịch Tuyên Hóa

Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nói đến việc phát triển du lịch ở huyện Tuyên Hóa. Bởi huyện miền núi này có gì để phát triển 'ngành công nghiệp không khói'? Tuy nhiên, thời gian gần đây, có ý kiến nên chăng Tuyên Hóa cần xem xét, đánh giá những tài nguyên du lịch đã và đang có, để xây dựng kế hoạch phát triển trong tương lai.Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết: 'Với những tiềm năng sẵn có, huyện luôn sẵn sàng chào đón, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tiềm năng, tiềm lực và tâm huyết với địa phương đến triển khai các dự án du lịch trên địa bàn, nhằm đưa Tuyên Hóa có tên trên bản đồ du lịch của tỉnh. Trước mắt, có thể đầu tư đưa vào khai thác chuỗi các điểm đến du lịch trên địa bàn huyện, như đi thuyền trên sông Gianh, ngắm voọc, kết nối du lịch sinh thái nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Ngư Hóa'.Phát biểu tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuyên Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng gợi mở rằng, Tuyên Hóa là địa phương có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, như: Hang Lèn Hà, cầu Ka Tang; một số danh thắng, nhất là hệ thống hang động vừa được phát hiện trên địa bàn xã Lâm Hóa. Đây sẽ là những điểm đến du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, thu hút đông đảo du khách.

Trước đó, cũng đã có nhiều người dè dặt hỏi và “tự nhìn lại” những tiềm năng đang có. Bởi so với các địa phương khác, huyện miền núi này có vẻ ít được thiên nhiên hào phóng ưu đãi. Nhưng không, cuối tháng 3/2023, trên các phương tiện truyền thông rầm rộ đưa tin về việc các các nhà khoa học đến từ Anh, Úc, New Zealand, thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã phát hiện thêm hàng chục hang động còn nguyên sơ và "rất khác biệt" ở phía Tây Quảng Bình.

Theo đó, trong chuyến khảo sát kéo dài 3 tuần tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, các chuyên gia hang động đã phát hiện thêm 22 hang động mới còn nguyên sơ, chưa in dấu chân người, dài gần 12km. Điều đáng nói, trong số 22 hang động mới, có 5 hang động ở vùng núi đá vôi tại xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) với chiều dài hơn 3,3km, gồm: Hung Trù 1, Hung Trù 2, Hung Trù 3, Hung Ka Vờng 1, Hung Ka Vờng 2.

Đặc biệt, trong đó có một hang động có chiều dài suối ngầm tương đối lớn và chưa thể khảo sát hết. Chia sẻ với báo giới, ông Howard Limbert, thành viên Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, người từng có hàng chục năm đồng hành, gắn bó với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đoàn sẽ quay lại lần sau để tiếp tục nghiên cứu, do chuyến đi ở Lâm Hóa chưa mang đủ thiết bị để khảo sát hết. Đây là những hang còn khá trẻ và phần lớn là hang ướt, có thạch nhũ đẹp. Những hang mới phát hiện khá thú vị và đặc biệt so với nhiều hang động khác đã tìm thấy ở Quảng Bình.

Các hang động còn nguyên sơ và "rất khác biệt" so với những hang động được tìm thấy trước đó trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh.

Các hang động còn nguyên sơ và "rất khác biệt" so với những hang động được tìm thấy trước đó trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh.

Nếu Sơn Đoòng, hang Én và nhiều hang động khác chỉ có một lối chính để vào, thì những hang mới này lại có rất nhiều hướng ra vào khác nhau. Một số hang còn thông nhau, tạo ra nhiều lối đi. Chuyên gia hang động hàng đầu thế giới này còn tiết lộ rằng, việc phát hiện những hang động mới tại xã Lâm Hóa chỉ là kết quả bước đầu. Và có thể, tại đây còn nhiều hang động chưa được khám phá.

Thông tin nức lòng này đã khiến nhiều người kỳ vọng, rồi đây với những tiềm năng này, Tuyên Hóa sẽ trở thành địa chỉ hấp dẫn trên bản đồ du lịch. Vẫn biết rằng câu chuyện mới chỉ khởi đầu, nhưng ai cũng có quyền được kỳ vọng, để có sự chuẩn bị, với những kế hoạch, bước đi cụ thể.

Trên địa bàn huyện Tuyên Hóa còn có thêm một tiềm năng khác ít được nhắc đến đó là suối nước khoáng nóng Ngư Hóa (người dân địa phương gọi là suối nước nóng Rào Trổ). Bởi, những mạch nước nóng ngầm nơi đây phun lên, chảy thành dòng suối, rồi nhập vào dòng chảy của ngọn Rào Trổ, xuôi về sông Gianh. Suối nằm lọt thỏm giữa khu vực rừng núi nguyên sinh. Tại điểm nước khoáng phun trào lộ thiên trên mặt đất, nhiệt độ sôi lên đến 800C.

Gần đây, có một đơn vị đã lấy mẫu nước khoáng đưa đi phân tích hàm lượng vi khoáng. Kết quả cho thấy, loại nước khoáng nơi đây rất quý và có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh về xương khớp.

Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa Nguyễn Thanh Phong cho biết, người dân địa phương ở khu vực lân cận thường mang thực phẩm, như: Thịt, trứng các loại gia cầm lên đây vừa tắm, vừa luộc trực tiếp để thưởng thức. Những năm gần đây, đã có một vài đơn vị từng đến tìm hiểu, khảo sát, đặt vấn đề xây dựng một khu du lịch.

“Hơn ai hết, chúng tôi cũng rất kỳ vọng, trong tương lai không xa, suối nước khoáng nóng Ngư Hóa sẽ được “đánh thức” và trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch hấp dẫn”, Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa Nguyễn Thanh Phong mong muốn.

Còn có một người “nóng lòng” với việc phát triển những tiềm năng du lịch của địa phương còn đang “ngủ quên” không kém đó là ông Nguyễn Thanh Tú ở thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa. Ông Tú được nhiều người biết đến với biệt danh “Tú voọc”. Bởi, ông là một trong những người đầu tiên phát hiện ra đàn voọc đen gáy trắng trên những lèn núi cao Thiết Sơn, xã Thạch Hóa (năm 2013).

Và suốt 10 năm qua, người cựu sĩ quan Biên phòng này tự nguyện gắn bó với đàn voọc và vận động người dân nơi đây cùng bảo vệ loài linh trưởng được xếp vào mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Ông Tú và các cộng sự “chăn voọc” của mình cũng đã “vô hiệu hóa” ý tưởng của một số dự án phá núi khai thác đá vật liệu xây dựng. Ngày nay, dải đất phía tả ngạn sông Gianh, với lô nhô những lèn núi đá cao trở thành “thiên đường” sinh sống của loài voọc.

Tại Quảng Bình, ngoài Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thì Thạch Hóa, Đồng Hóa (Tuyên Hóa) là nơi thứ 2 ghi nhận loài voọc này đang tồn tại, sinh sống. Từ chỗ chỉ có vài cá thể, đến nay đàn voọc đã có khoảng 22 đàn, với 156 cá thể.

Voọc gáy trắng trên núi Thiết Sơn.

Voọc gáy trắng trên núi Thiết Sơn.

Sự phát triển về số lượng cá thể voọc gáy trắng ở Thạch Hóa, Đồng Hóa đã gây được sự chú ý của các nhà nghiên cứu sinh vật trong nước và quốc tế. Rất nhiều người đã tìm đến đây để tìm hiểu, chụp ảnh, hay đơn giản chỉ để ngắm nhìn những chú voọc. Họ tò mò, lạ lẫm vì voọc vốn là loài vật ưa yên tĩnh, nhút nhát, nhưng vẫn phát triển bình thường, “hồn nhiên” leo trèo, chơi đùa, kiếm ăn trên vách núi, bên cạnh con người. Hiện, khu vực này đã được UBND tỉnh quy hoạch rừng đặc dụng với diện tích hơn 500ha.

Trước đây, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất cũng đã xây dựng chương trình: “Tour du lịch bảo tồn: Chinh phục Tú Làn và ngắm voọc quý hiếm”, trong đó có điểm đến trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu về đàn voọc và dừng nghỉ 1 đêm tại nhà người dân xã Đồng Hóa. Nhưng, từ khi đại dịch Covid hoành hành, điểm đến này bị dừng lại cho đến nay. Ông Nguyễn Thanh Tú nhớ lại chuyện 10 năm trước, lúc ông và những người trong tổ bảo vệ đàn voọc tự mình “đấu tranh” với những thợ săn, nhiều người đã từng quát thẳng vào mặt ông là rỗi việc lo chuyện bao đồng. Và rằng, bảo vệ rừng, bảo vệ đàn voọc thì người dân ở đây có được ích lợi gì?

Nên chăng, giờ đây, cần có câu trả lời cho vấn đề đó. Không thể để các giá trị tài nguyên bị lãng phí được. Bởi, muốn phát triển du lịch không chỉ có tài nguyên, tiềm năng sẵn có mà còn phải có kế hoạch, chiến lược, tạo sức hút, xây dựng điểm đến một cách căn cơ, bài bản và lâu dài.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/du-lich/202309/ngac-nhien-du-lich-tuyen-hoa-2212426/
Zalo