Nga vẫn chưa bên bờ vực khủng hoảng ngân hàng

Nga đang đối mặt tin đồn ngân hàng sụp đổ khi tín dụng doanh nghiệp tăng 60% trong 2 năm, nhưng nền kinh tế liệu có thực sự đứng bên bờ vực khủng hoảng?

Tuần qua, nhiều dự đoán u ám về khả năng một cuộc khủng hoảng tài chính sắp bao trùm nước Nga lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

 Các đồng tiền Nga. Ảnh: The Bell

Các đồng tiền Nga. Ảnh: The Bell

Theo đó, lý thuyết này cho rằng Nga đang chi tiêu cho chiến tranh gần gấp đôi con số chính thức, đẩy hệ thống ngân hàng tiến gần đến bờ vực sụp đổ, buộc chính quyền có thể phải phong tỏa tiền gửi của người dân.

Thực trạng đang diễn ra

Những tuyên bố về nguy cơ khủng hoảng đầu tiên xuất hiện trong một bài viết trên Substack hôm thứ Bảy của Craig Kennedy, chuyên gia về Nga thuộc Trung tâm Davis của Đại học Harvard và từng làm việc tại Morgan Stanley. Phân tích này sau đó được biên tập viên kinh tế của Financial Times, Martin Sundby, sử dụng trong một bài xã luận đăng vào ngày hôm sau.

Kennedy mô tả một “kế hoạch huy động vốn ngoài ngân sách kín đáo” để tài trợ cho chiến dịch quân sự của Điện Kremlin tại Ukraine. Ông cho rằng việc vay mượn doanh nghiệp gia tăng mạnh mẽ ở Nga từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022 - tăng hơn 60% trong hai năm, 19,4% GDP liên quan đến chi tiêu quân sự. Theo ông, khoảng 60% các khoản vay này (tương đương 249 tỷ USD) được dành cho các doanh nghiệp liên quan đến quốc phòng.

Kennedy nhận định, do các doanh nghiệp quốc phòng có khả năng không trả được nợ, điều này có thể dẫn đến khủng hoảng tín dụng. Một số nhà bình luận còn đi xa hơn, cho rằng nếu kịch bản này xảy ra, chính quyền có thể chọn cách cứu ngành quốc phòng và các ngân hàng bằng cách phong tỏa tiền gửi cá nhân.

Tin đồn về việc phong tỏa tài khoản

Trên các mạng xã hội tiếng Nga, những tin đồn về việc phong tỏa tài khoản ngân hàng đã xuất hiện từ mùa thu. Đầu tháng 11, nhà kinh tế học Alexei Zubets từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn radio rằng các ngân hàng có thể đóng băng tài khoản cá nhân nhằm kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các quan chức, bao gồm lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga, đều bác bỏ điều này.

Dù vậy, những lời trấn an này không làm dịu bớt lo lắng của người dân Nga, những người đã nhiều lần chứng kiến các cuộc khủng hoảng tài chính và tịch thu tài sản – từ cải cách tiền tệ năm 1991, đóng băng tài khoản năm 1998, đến việc chuyển đổi cưỡng bức một số khoản tiền gửi ngoại tệ vào năm 2022.

Những tin đồn này cũng trở thành chủ đề trong các cuộc tranh luận tại Duma Quốc gia. Tuần qua, nghị sĩ Alexei Nechayev đã yêu cầu ban hành luật để đảm bảo rằng “mọi quyết định của Ngân hàng Trung ương liên quan đến tiền tiết kiệm của người dân phải được Duma phê duyệt”. Tuy nhiên, khả năng thông qua luật này rất thấp bởi nếu chính quyền thực sự muốn hành động, họ cần tiến hành một cách nhanh chóng.

Liệu phong tỏa tài khoản có khả thi?

Hiện tại, việc đóng băng tài khoản không mang lại ý nghĩa thực tiễn. Tăng trưởng kinh tế Nga hiện nay chủ yếu dựa vào tín dụng, và nếu tài khoản bị phong tỏa, các ngân hàng sẽ không thể tiếp tục cho vay doanh nghiệp.

Lý luận rằng đóng băng tài khoản giúp kiểm soát lạm phát cũng thiếu thuyết phục. Với lãi suất cao, việc rút tiền hàng loạt để chi tiêu không phải là lựa chọn hợp lý.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi xảy ra khủng hoảng tín dụng, giải pháp khả thi hơn là chính quyền đảm bảo toàn bộ tiền gửi để duy trì niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Nga có đối mặt với vấn đề tín dụng?

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tổng số tiền vay doanh nghiệp từ năm 2022 chỉ tăng khoảng 300 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 415 tỷ USD mà một số ý kiến lo ngại. Đặc biệt, phần lớn khoản vay này là thay thế nợ ngoại tệ bằng nợ nội tệ để giảm rủi ro tỷ giá.

Các khoản vay được nhà nước hỗ trợ, như vay thế chấp, cũng không thể coi là nợ xấu vì có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, các lĩnh vực vay nhiều nhất hiện nay là thương mại, giao thông vận tải, xây dựng và bất động sản, chứ không chỉ giới hạn ở ngành quốc phòng.

Nhiều chuyên gia nhận định nền kinh tế Nga chưa sụp đổ ngay trong thời gian tới. Tuy nhiên, những rủi ro lớn hơn nằm ở sự thiếu minh bạch, ít sự tư vấn độc lập, và việc che giấu dữ liệu kinh tế, làm suy giảm lòng tin. Đây có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng trong tương lai.

Dũng Phan (Theo The Bell)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-van-chua-ben-bo-vuc-khung-hoang-ngan-hang-post331102.html
Zalo